Ngày thế giới phòng, chống AIDS năm 2021: “Chấm dứt bất bình đẳng. Chấm dứt bệnh AIDS”
HIV là vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người, nó nhắm vào hệ thống miễn dịch và làm suy yếu khả năng phòng thủ của hệ thống này ở con người dẫn tới những người bị nhiễm bệnh dần dần bị suy giảm miễn dịch. Giai đoạn tiến triển nhất của nhiễm HIV là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), có thể mất nhiều năm để phát triển nếu không được điều trị, tùy thuộc vào từng cá nhân. AIDS được định nghĩa bởi sự phát triển của một số bệnh ung thư, nhiễm trùng hoặc các biểu hiện lâm sàng dài hạn nghiêm trọng khác.
HIV tiếp tục là một vấn đề sức khỏe lớn đối với cộng đồng trên thế giới và đã cướp đi sinh mạng của 36,3 triệu [27,2–47,8 triệu] cho đến nay. Ước tính có khoảng 37,7 triệu [30,2–45,1 triệu] người sống chung với HIV vào cuối năm 2020, hơn 2/3 trong số đó (25,4 triệu) ở Khu vực Châu Phi. Năm 2020, 680.000 [480.000–1,0 triệu] người chết vì các nguyên nhân liên quan đến HIV và 1,5 triệu [1,0–2,0 triệu] người nhiễm HIV.
Không có cách nào chữa khỏi bệnh cho người bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, với việc ngày càng tiếp cận nhiều hơn với các biện pháp dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc HIV hiệu quả thì việc nhiễm HIV đã trở thành một tình trạng sức khỏe mãn tính có thể kiểm soát được, giúp người nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài. Các phương pháp tiếp cận chính để phòng chống HIV thường được sử dụng kết hợp do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất bao gồm:
-Sử dụng bao cao su;
-Xét nghiệm và tư vấn về HIV và STIs (bệnh lây truyền qua đường tình dục);
-Xét nghiệm và tư vấn về mối liên hệ với chăm sóc bệnh lao (TB);
-Cắt bao quy đầu;
-Sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) để dự phòng;
-Giảm tác hại cho người tiêm chích và sử dụng ma tuý;
-Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Ngọc Hà, Thủy Tiên – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM
Nguồn: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hiv-aids