Phát hiện và điều trị sớm bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV
Với các liệu pháp điều trị ngày càng tối ưu, hiện nay trên 95% bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị có tải lượng vi-rút dưới ngưỡng ức chế. Việc này đã giúp làm giảm tỷ lệ tử vong, bệnh nhân được sống khỏe mạnh, tuổi thọ ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, người nhiễm HIV vẫn phải đối mặt với việc xuất hiện các bệnh lý mãn tính và tiến triển theo tuổi tác, đặc biệt là các bệnh không lây đi kèm.
Ảnh: Đại biểu tham dự Hội thảo sơ kết hoạt động sàng lọc và quản lý bệnh không lây trên người nhiễm HIV.
Sáng ngày 5/3/2024, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố đã tổ chức Hội thảo sơ kết hoạt động sàng lọc và quản lý bệnh không lây trên người nhiễm HIV năm 2023 và định hướng hoạt động năm 2024 tại TP.Hồ Chí Minh. Tham dự Hội nghị có Đại diện của: Cục Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC), CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, tổ chức USAID tại Việt Nam, tổ chức BIDMC; Đại diện 28 phòng khám điều trị HIV/AIDS thuộc các Bệnh viện, TTYT TP Thủ Đức, TTYT Quận/Huyện trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại Hội thảo, ThS.BS Võ Thị Tuyết Nhung, tổ chức BIDMC cho biết: Thay vì mắc các bệnh liên quan đến AIDS, ở hầu hết các vùng của Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở những người nhiễm HIV hiện nay phần lớn là do các bệnh đi kèm không liên quan đến AIDS, mà liên quan đến tuổi tác. Ngay cả khi đã kiểm soát được tình trạng nhiễm HIV, tình trạng kích hoạt miễn dịch mạn tính vẫn làm tăng thêm gánh nặng lên hệ miễn dịch vốn đã trong tình trạng lão hóa ở người lớn tuổi. Chính vì vậy, bệnh nhân nên được quản lý và phòng ngừa các bệnh không lây thông qua thực hành: tư vấn-giáo dục, sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh và phối hợp các chuyên khoa để can thiệp.
Theo một nghiên cứu tại bệnh viện Nhiệt đới trung ương thì cứ 2 người nhiễm HIV thì có 1 người bị rối loạn lipid máu, 4 người thì có 1 người bị cao huyết áp. Một nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ mắc mới suy thận mạn ở người nhiễm HIV cao gấp hơn 10 lần so với dân số chung. Ngoài ra, phụ nữ nhiễm HIV có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp 6 lần phụ nữ không nhiễm HIV.
Theo Ths.BS Lê Hồng Nga, phó giám đốc HCDC, việc tổ chức sàng lọc bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV là hết sức cần thiết. Hiện nay, thực tiễn cho thấy bệnh nhân nhiễm HIV chủ yếu điều trị các bệnh không lây ở bệnh viện và phòng khám nội khoa, chính vì vậy, để quản lý tốt trong việc điều trị hiệu quả cho bệnh nhân thì cần tăng cường tư vấn cho bệnh nhân, hỗ trợ các thủ tục chuyển gửi BN điều trị, làm sao để bệnh nhân phản hồi lại thông tin cho phòng khám OPC. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng đến chất lượng khám và sàng lọc, tư vấn cho bệnh nhân trong thời gian tới.
Được biết, việc quản lý các bệnh không lây nhiễm thường gặp ở người nhiễm HIV đã được thực hiện thí điểm tại TP Hồ Chí Minh từ 4/2021, thí điểm tại 3 phòng khám ngoại trú HIV đầu tiên Gò Vấp, Tân Bình, Bình Chánh. Tính đến tháng 12/2023 đã có 27 phòng khám ngoại trú HIV/AIDS được triển khai.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh.