Nước sạch: Vai trò thiết yếu cho sức khỏe và sự sống
Nước sạch có vai trò quan trọng đối với cuộc sống và sức khỏe của con người. Nước sạch sử dụng trong đời sống hàng ngày cần đảm bảo: trong suốt, không màu, không mùi, không vị. Ngoài ra còn phải an toàn đối với sức khỏe của người sử dụng.
Nước là nguồn tài nguyên quý giá, là một trong những thành phần cơ bản của sự sống và cần thiết đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước sạch không phải là vô tận. Theo quy định tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT, “Nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt là nước đã qua xử lý có chất lượng bảo đảm, đáp ứng yêu cầu sử dụng cho mục đích ăn uống, vệ sinh của con người”.
Vai trò của nước sạch
Dung môi của các phản ứng hóa học trong cơ thể: Nước trong mạch máu giúp máu có dạng lỏng và hòa tan các chất dinh dưỡng, vận chuyển đến các mô và tế bào của cơ thể. Những chất thừa sinh ra trong quá trình chuyển hóa như carbon, ure…cũng được hòa tan trong nước của máu và được vận chuyển đến phổi và thận để bài tiết ra ngoài.
Chất phản ứng: Nước là một chất phản ứng tham gia trực tiếp vào các phản ứng khác nhau của cơ thể nước.
Chất bôi trơn: Nước có tác dụng là chất bôi trơn quan trọng của cơ thể, đặc biệt là nơi tiếp xúc các đầu nối, tạo nên sự linh động tại đầu xương và sụn, màng phổi, cơ hoành, miệng…
Điều hòa nhiệt độ: Nước có một vai trò quan trọng trong việc phân phối nhiệt độ cơ thể. Nhiệt độ sinh ra thường vượt quá nhu cầu duy trì nhiệt độ của cơ thể, nhiệt độ thừa sẽ được tỏa ra ngoài qua đường hô hấp và qua da.
Chất lượng nước ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào?
Các chất gây ô nhiễm trong nước có thể là nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe, bao gồm bệnh về hệ tiêu hóa, bệnh về da, vấn đề về sinh sản và rối loạn thần kinh. Những nhóm đối tượng có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn do ô nhiễm nước bao gồm trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người già và những người có hệ miễn dịch suy giảm.
Công tác giám sát và kiểm soát chất ô nhiễm trong nước là một phần quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Đặc biệt là việc bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương hơn khỏi tác động của các chất độc hại trong nước uống là một ưu tiên quan trọng trong quản lý tài nguyên nước của chúng ta.
Hậu quả ô nhiễm nguồn nước
Hậu quả đối với con người: Sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm lâu ngày sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường ruột, dịch tả, các bệnh lý về da, nguy hiểm hơn còn khiến chúng ta ngộ độc, mắc các bệnh như ung thư, dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ…. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tuổi thọ và năng suất làm việc của con người chúng ta.
Hậu quả đối với sinh vật, thực vật: Việc các chất thải chưa được xử lý mà xả thẳng ra môi trường khiến nguồn sống của các sinh vật bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các hóa chất, vi khuẩn tồn tại trong nước khiến cho các sinh, thực vật chết dần chết mòn, làm mất cân bằng hệ sinh thái.
Hậu quả đến kinh tế: Khi con người sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm sẻ khiến sức khỏe giảm sút, kéo theo năng suất làm việc ngày càng kém. Làm mất mỹ quan đô thị khi lượng rác thải và nước thải bốc mùi hôi thối khó chịu. Chính những tác nhân đó làm kìm hãm sự phát triển kinh tế của xã hội.
Làm thế nào để bảo vệ nguồn nước?
Giáo dục truyền thông trên mọi phương tiện thông tin về ý thức bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước an toàn và tiết kiệm nước.
Phổ biến các quy định về môi trường, chú trọng bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước.
Nâng cao ý thức cộng đồng để giữ sạch nguồn nước bằng cách không vứt rác, phóng uế bừa bãi ảnh hưởng đến nguồn nước sạch.
Tiết kiệm nước sạch: Giảm lãng phí khi sử dụng nước trong sinh hoạt hàng ngày; kiểm tra, bảo trì cải tạo lại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước; dùng lại nguồn nước bể bơi, nước mưa vào những việc thích hợp như cọ rửa sân, tưới cây.
Khoa Sức khỏe cộng đồng – Môi trường và bệnh nghề nghiệp, HCDC