Cô ơi! Con thấy áp lực quá!
Áp lực công việc trong ngành y không chỉ nằm ở trách nhiệm khám bệnh, chữa bệnh. Áp lực công việc còn đến từ những khó khăn tinh thần mà các bác sĩ, điều dưỡng thường xuyên phải đối diện. Những căng thẳng này thường bị bỏ quên bởi công chúng và đôi khi là chính những người trong cùng ngành. Bên cạnh việc đối mặt với các ca bệnh phức tạp, họ còn phải chịu áp lực từ sự kỳ vọng của bệnh nhân và thậm chí là sự nghi ngờ. “Bác sĩ cũng cần chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình” là thông điệp mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố muốn gửi gắm đến cộng đồng thông qua những chia sẻ chân thực - khiến ta phải suy ngẫm.
“Một điều dưỡng tập sự, bước vào phòng mình với đôi mắt đỏ hoe, nước mắt trực trào khi chờ quyết định công tác từ phía bệnh viện. Là một công đoàn viên trong ngành y, mình thường xuyên phải đối mặt với những tình huống căng thẳng khi làm cầu nối giữa nhân viên và các phòng ban. Có điều, lần này áp lực còn đến từ nhân sự trong phòng ban của mình - không ai muốn nhận người chưa đủ kinh nghiệm vào làm việc.
Trong những tình huống khó xử như vậy, mình thường dành thời gian để suy nghĩ và lắng nghe góp ý từ những đồng nghiệp khác. Lúc có thêm những góp ý từ người ngoài, mình cũng chắt góp, phân tích xem điều gì đúng điều gì sai trong tình huống đó. Khi đã bình tĩnh trở lại, cách giải quyết của mình sẽ là gặp riêng từng người để lắng nghe và thấu hiểu tâm tư của họ. Điều đó sẽ không khiến bất kỳ ai bị tổn thương.
Khi rơi vào trạng thái mệt mỏi thì mình không thể tập trung cho công việc. Mình thường dành thời gian để trồng cây, chơi với thú cưng, uống cà phê với bạn bè hay chơi đùa với cháu ngoại. Đôi khi mình chọn nói ra những khó khăn của bản thân cho mọi người, điều đó giúp mình nhận ra và điều chỉnh lại mọi việc.
Mình hay chia sẻ lại những trải nghiệm của bản thân gặp khó khăn trong học tập và làm việc khi có đồng nghiệp gặp căng thẳng mệt mỏi về gia đình, công việc đến gặp mình. Họ tin tưởng nên tìm đến mình để chia sẻ, thì họ cũng coi như mình là tia hy vọng, việc hỗ trợ họ cũng là điều nên làm.
Mình luôn mong muốn có một bác sĩ tâm lý tại bệnh viện. Mình cũng hy vọng ban lãnh đạo có thể dành thời gian lắng nghe, chia sẻ với nhân viên về những khó khăn họ gặp phải. Mình tin là sự hỗ trợ lớn nhất chính là sự hỗ trợ, động viên từ chính đồng nghiệp và lãnh đạo bệnh viện.”
Đọc những lời chia sẻ trên, chắc hẳn mỗi người đều cảm nhận được thông điệp cốt lõi, rằng những người trong ngành y tế không chỉ đấu tranh với bệnh tật của người khác, mà còn phải đối mặt với những căng thẳng tinh thần của chính bản thân. Hy vọng chúng ta sẽ có cái nhìn cảm thông và chia sẻ hơn với họ.