Vì sao nhân viên y tế trì hoãn tìm kiếm sự giúp đỡ?
Sự kỳ thị đối với nhân viên y tế có vấn đề về sức khỏe tâm thần là một vấn đề nghiêm trọng. Trong đó, việc trì hoãn tìm kiếm sự hỗ trợ những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng, giảm khả năng điều trị và gây trở ngại cho công việc của chính họ.
Theo hiệp hội tâm thần Hoa Kỳ, có hơn một nửa số người có vấn đề về sức khỏe tâm thần không nhận được sự giúp đỡ đối với các rối loạn của họ. Thông thường, mọi người tránh hoặc trì hoãn việc tìm kiếm sự hỗ trợ điều trị vì lo ngại bị đối xử khác biệt hoặc sợ bị mất việc làm, cũng như ảnh hưởng đến sự nghiệp. Đó là vì sự kỳ thị, định kiến và phân biệt đối xử với những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần vẫn còn đang hiện hữu.
Trong một nghiên cứu với 648 nhân viên y tế là các nhà tâm lý học lâm sàng, và 2/3 trong số đó báo cáo rằng họ đã gặp phải những vấn đề về sức khỏe tâm thần. Không những vậy, nghiên cứu còn chỉ ra rằng: Các nhân viên y tế ngại tiết lộ những vấn đề về sức khỏe tâm thần của chính mình vì xấu hổ và lo lắng về những hậu quả tiêu cực đối với sự nghiệp. Mặc dù hiện nay đã có nhiều hoạt động nhằm khuyến khích các nhân viên y tế tiếp cận các dịch vụ về tâm lý, tuy nhiên sự kỳ thị xung quanh việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần vẫn tiếp tục làm xảy ra sự “do dự" trong việc sử dụng các nguồn lực sẵn có.1
Sự thật về kỳ thị, định kiến và phân biệt đối xử
Sự kỳ thị thường xuất phát từ sự thiếu hiểu biết hoặc sợ hãi. Các phương tiện truyền thông đưa tin không chính xác hoặc gây hiểu lầm về bệnh tâm thần góp phần vào cả hai yếu tố đó. Trong đó có 3 loại kỳ thị: Sự kỳ thị của công chúng (thái độ tiêu cực hoặc phân biệt đối xử); Tự kỳ thị của chính người bệnh; Sự kỳ thị về mặt cấu trúc (liên quan đến các chính sách, hoạt động. Ví dụ: việc tài trợ ít hơn cho nghiên cứu về bệnh tâm thần hoặc ít dịch vụ sức khỏe tâm thần hơn so với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác).2
Tác hại của sự kỳ thị và phân biệt đối xử
Sự kỳ thị, định kiến và phân biệt đối xử với những người mắc bệnh tâm thần có thể rất nhỏ hoặc rõ ràng nhưng cho dù ở bất kỳ mức độ nào, chúng đều có thể dẫn đến tác hại.
Sự kỳ thị và phân biệt đối xử có thể góp phần làm trầm trọng thêm các triệu chứng và làm giảm khả năng được điều trị của bệnh nhân. Một nghiên cứu tổng quan đã chỉ ra rằng tự kỳ thị gây ra những tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi ở những người mắc các bệnh tâm thần nghiêm trọng. Những tác động này có thể là: giảm hy vọng, giảm sự tự tin, gia tăng triệu chứng tâm thần, giảm khả năng duy trì điều trị, nhiều trở ngại hơn trong công việc.
Một số tác hại khác của sự kỳ thị có thể bao gồm: Ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc điều trị, và giảm khả năng duy trì điều trị; Thiếu sự thấu hiểu từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hoặc những người khác; Ít cơ hội hơn trong công việc, học tập hoặc các hoạt động xã hội; Bị bắt nạt, bạo lực hoặc quấy rối…
Sự kỳ thị không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những người mắc bệnh tâm thần mà còn ảnh hưởng đến những người thân yêu, thường là những thành viên trong gia đình. Họ có thể tự cảm thấy bị kỳ thị và tự trách mình, hoặc họ có thể lo sợ rằng người khác sẽ đổ lỗi cho họ vì gây ra bệnh tình của người thân hoặc từ chối gia đình về mặt xã hội. Sự kỳ thị này có thể dẫn đến việc giảm sự hỗ trợ về mặt cảm xúc, cô lập xã hội, và ngần ngại tìm kiếm sự chăm sóc cho người thân của họ.2
Nguồn:
[1]https://www.psychiatrictimes.com/view/mental-health-stigma-for-providers-a-hidden-challenge-among-us
[2]https://www.psychiatry.org/patients-families/stigma-and-discrimination
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh.