Tuần lễ Bệnh Glôcôm thế giới năm 2022: Thế giới tươi sáng, hãy cứu lấy thị giác của bạn
Bệnh Glôcôm (bệnh tăng nhãn áp) là một bệnh do sự tăng quá mức áp lực bên trong nhãn cầu, dẫn đến tổn thương tiến triển dây thần kinh thị giác của mắt và tổn hại thị trường mắt. Mức độ tổn hại phụ thuộc vào nhãn áp và sức chịu đựng của sợi thần kinh thị giác. Cứ 200 người ở độ tuổi 40 thì có một người bị bệnh tăng nhãn áp, tỷ lệ này tăng lên 1/8 ở độ tuổi 80.
Trên thế giới có khoảng 78 triệu người mắc bệnh tăng nhãn áp. Bệnh tăng nhãn áp là nguyên nhân phổ biến nhất gây mù lòa không hồi phục. Trong nhiều trường hợp, bệnh tăng nhãn áp có thể không có triệu chứng. Do đó, một nửa số người không biết mình có bệnh tăng nhãn áp. Các thành viên trong gia đình của những người bị bệnh tăng nhãn áp có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp cao gấp 10 lần. Chính vì thế, tuần lễ bệnh tăng nhãn áp thế giới là một sáng kiến toàn cầu của Hiệp hội bệnh tăng nhãn áp thế giới (WGA) nhằm nâng cao nhận thức về bệnh tăng nhãn áp và cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân tăng nhãn áp trên toàn thế giới.
Ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong việc phát hiện sớm bệnh với quy mô lớn hơn và đưa ra được chẩn đoán chính xác hơn. Do đó, kiểm tra mắt định kỳ cho phép chẩn đoán sớm để cứu lấy thị giác của bạn:
+Trước 40 tuổi mỗi 2 - 4 năm
+Từ 40 – 60 tuổi mỗi 2 - 3 năm
+Sau 60 tuổi mỗi 1 - 2 năm
Thủy Tiên – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM
Nguồn: