Trẻ mắc bệnh sởi nặng đều chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin
Sáng ngày 29/8/2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã đến kiểm tra tình hình phòng, chống dịch sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh. Bệnh viện đã điều trị cho 42 ca bệnh sởi nặng, các ca này đều chưa được tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi.
Ảnh: Đoàn công tác của Bộ Y tế, do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương dẫn đầu, tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh
Theo báo cáo của TS. BS. Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, từ tháng 6/2024, số ca nhập viện do sởi đã gia tăng đáng kể, đặc biệt là từ đầu tháng 8/2024. Tính đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 368 ca nhập viện, trong đó hơn 11% là các ca nặng cần được điều trị tại phòng hồi sức. Trẻ em tại TP. Hồ Chí Minh chiếm 34% trong tổng số ca bệnh, còn lại hơn 65% là từ các tỉnh khác chuyển đến.
TS. BS. Quang Minh cũng cho biết, trong số 42 ca bệnh nặng được ghi nhận từ đầu mùa dịch, có 73% là bệnh nhân từ các tỉnh. Đáng lo ngại là tỉ lệ trẻ em bị nặng nhưng chưa tiêm đủ hai mũi vắc xin lên tới 85%, và không có trẻ nào đã được tiêm đủ hai mũi.
Bệnh viện đã triển khai kế hoạch ứng phó dịch từ đầu năm, với các phương án chi tiết, dự trù nhân sự, thuốc, vật tư y tế và phân luồng điều trị. Trẻ em có triệu chứng sốt, ho sẽ được khám sàng lọc sởi và nếu có dấu hiệu suy hô hấp, sẽ lập tức được đưa vào phòng cách ly tại khoa cấp cứu.
Ảnh: Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Bệnh viện Nhi đồng 1
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã nhấn mạnh các yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch sởi, bao gồm việc tiếp tục tăng cường tiêm vắc xin cho trẻ chưa đủ mũi, trẻ không rõ tiền sử tiêm chủng và nhân viên y tế có nguy cơ cao, đảm bảo không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch, và tăng cường truyền thông để người dân phối hợp nhưng không hoang mang. Bộ Y tế sẽ tiếp tục làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh để hỗ trợ công tác phòng chống dịch sởi trong thời gian tới.
Để phòng chống dịch sởi, Bộ Y tế khuyến cáo: 1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch. 2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. 3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. 4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. 5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện. |
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh