Quản Cáo  Topbanner

Vấn Đề Sức Khỏe

Cập nhật: 22:47 - 27/12/2022 | Lần xem: 2569

TP.HCM: Tình hình dịch bệnh tuần 52 (tính đến ngày 25/12/2022)

Số ca mắc Sốt xuất huyết, Tay chân miệng trong tuần 52 năm 2022 đều có khuynh hướng giảm. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 các mũi nhắc lại và mũi tiêm cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đều thấp so với trung bình cả nước.

Tình hình bệnh COVID-19

Trong tuần 52, ghi nhận 84 ca bệnh xác định nhiễm SARS-CoV-2 được Bộ Y tế công bố (bao gồm 43 ca dương tính SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RealTime RT-PCR, 41 ca xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính có yếu tố dịch tễ) và không có ca nhập cảnh. Số ca tích lũy trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 (tính từ ngày 29/04/2021) đến ngày 25/12/2022 là 618.275 ca, trong đó có 617.436 ca trong nước (tỉ lệ 99,86%), 839 ca nhập cảnh (tỉ lệ 0,14%).

Tình hình tiêm vắc xin COVID-19

Trong ngày 26/12/2022, toàn thành phố đã tiêm được 1.203 mũi tiêm, bao gồm 59 mũi 1; 922 mũi 2; 0 mũi bổ sung; 64 mũi nhắc lần 1; 158 mũi nhắc lần 2 tại 55 điểm tiêm, 64 bàn tiêm tại 17/22 quận/huyện/thành phố.

Tính đến hết ngày 26/12/2022, Thành phố đã tiêm được 23.563.320 mũi bao gồm 8.700.443 mũi 1; 7.784.275 mũi 2; 683.228 mũi bổ sung; 4.838.863 mũi nhắc lần 1; 1.556.511 mũi nhắc lần 2. Trong đó:

- Đối với người từ 18 tuổi trở lên: đã tiêm được 20.932.147 mũi, tỷ lệ chích mũi 1 là 100%, mũi 2 đạt 98,9%; mũi nhắc lần 1 đạt 67,3% thấp hơn 12,8% so với trung bình cả nước; mũi nhắc lần 2 ước đạt tỷ lệ khoảng 54% thấp hơn 32,9% so với trung bình cả nước.

- Đối với trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi: đã tiêm được 1.758.822 mũi, mũi 1 đạt tỷ lệ 100%); mũi 2 đạt 99,1%; mũi nhắc lần 1 đạt 36,4%  thấp hơn 32% so với trung bình cả nước.

- Đối với trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi: đã tiêm được 872.351 mũi, mũi 1 đạt tỷ lệ 64,5% thấp hơn 28% so với trung bình cả nước, mũi 2 đạt 40,5% thấp hơn 32,8% so với trung bình cả nước.

Tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết Dengue (SXH)

Tính đến tuần 52, Thành phố ghi nhận 80.935 trường hợp mắc bệnh, tăng khoảng 6,4 lần với cùng kỳ năm 2021. Số ca mắc bệnh nặng là 2.036 ca. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến tuần 52 là 2,5% tăng hơn 3,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tuần 52 (từ ngày 19/12/2022 đến 25/12/2022), Thành phố ghi nhận 959 ca bệnh SXH, giảm 19,9% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 26,5% và ngoại trú giảm 12,1%. Trong tuần 52, không có trường hợp tử vong do SXH Dengue. Tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 29 trường hợp, tăng 22 ca so với cùng kỳ năm 2021 (7 ca).

Tình hình dịch bệnh Tay chân miệng (TCM)

Tính đến tuần 52, Thành phố ghi nhận 19.073 trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng. Trong tuần 52, thành phố ghi nhận thêm 109 ca bệnh Tay chân miệng, giảm 50,2% so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó số ca bệnh giảm nhiều ở các trường hợp khám ngoại trú và ở các trường hợp nhập viện điều trị nội trú.

Các ổ dịch SXH và TCM

Trong tuần 52, toàn thành phố ghi nhận 59 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 35 phường, xã thuộc 12/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức, tăng 06 ổ dịch mới so với tuần 51.

Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 118 ổ dịch và không có phường, xã nào xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 153 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 82 phường, xã thuộc 16/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Trong tuần 52, toàn thành phố ghi nhận 01 ổ dịch Tay chân miệng mới. Số ổ dịch Tay chân miệng tích lũy đến tuần 52 năm 2022 là 91 ổ dịch.

Các hoạt động phòng chống dịch bệnh

TP.HCM duy trì hệ thống giám sát, quản lý dữ liệu, báo cáo bệnh truyền nhiễm; triển khai giám sát lưu hành biến chủng của SARS-CoV-2 và giám sát lưu hành kháng thể kháng SARS-CoV-2, lấy mẫu tại một số bệnh viện.

TP.HCM tiếp tục triển khai tiêm vắc xin Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của UBND TP. Giám sát hoạt động tiêm vắc xin Covid-19 tại một số địa phương. Truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết, bệnh đậu mùa khỉ, tiêm vắc xin Covid-19.

TP.HCM tiếp tục thực hiện giám sát về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và sốt xuất huyết tại các quận, huyện trên địa bàn. Giám sát kết quả xử lý phản ánh của các quận huyện.

Phan Thị Hằng – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC)