TP.HCM: Những y, bác sĩ đầu tiên được tiêm vắc xin ngừa COVID-19
Trong sáng ngày 08/3/2021, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã tổ chức buổi tiêm chủng Covid-19 đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh cho 100 nhân viên y tế của bệnh viện. Buổi tiêm chủng đầu tiên tại Thành phố được tổ chức dưới sự giám sát của các đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu.
Những liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca đầu tiên đã được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận, nhập kho lạnh bảo quản theo đúng quy định. Kho lạnh này đạt chuẩn GSP, có hệ thống theo dõi nhiệt độ bảo quản liên tục 24/24, được hệ thống máy chủ ghi nhận liên tục và báo động ngay khi nhiệt độ vượt ra khỏi giới hạn cho phép để nhân viên trực xử lý lập tức.
Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca sử dụng lần này là vắc xin mới, vì vậy ngành y tế các cấp cũng đã chuẩn bị tốt nhất cho tình huống có thể xảy ra. Tại tất cả các điểm tiêm, công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo, hộp chống sốc được trang bị đầy đủ để xử trí tại chỗ kịp thời. Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Trường Sơn đã đi kiểm tra cẩn thận từng khâu thực hiện tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Khâu tiêm vắc xin được thực hiện bởi các nhân viên chuyên thực hành tiêm chủng vắc xin lâu năm của bệnh viện.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhân viên y tế của bệnh viện là những người trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ sẽ được tiêm vaccine COVID-19. Nhân viên y tế của bệnh viện được khám sàng lọc, sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý quá trình tiêm chủng cá nhân. Trong ngày 08/3/2021, 100 nhân viên là các bác sĩ, điều dưỡng của các khoa Nhiễm D, khoa Hồi sức cấp cứu người lớn, khoa Cấp cứu được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trước tiên.
Cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vắc xin nào khác, vắc xin COVID-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn đến nghiêm trọng như sốc phản vệ. Sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm chủng cần ở lại cơ sở y tế 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe; và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo.
Bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, Khoa Hồi sức Tích cực chống độc người lớn là người được tiêm vắc xin đầu tiên trong sáng 8/3/2021. Bác sĩ Thanh Xuân cho biết mình rất hồi hộp, tối qua cứ thao thức. Cầm tờ giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin phòng COVID-19, bác sĩ Thanh Xuân tâm sự: “Tôi nằm mơ cả nhà đều được tiêm vắc xin. Mong rằng người dân cả nước sớm được tiêm trong năm nay”. Trong cuộc chiến chống COVID-19, Thanh Xuân cùng với người bạn đời của mình, cùng công tác tại khoa cấp cứu hồi sức tích cực - chống độc người lớn đã phải hoãn đám cưới để chống dịch vào thời điểm tháng 4-2020. Cô cũng là người có thời gian chăm sóc cho bệnh nhân 91 (phi công người Anh).
Yến Thư – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC)