Quản Cáo  Topbanner

Vấn Đề Sức Khỏe

Cập nhật: 09:15 - 05/04/2024 | Lần xem: 1685

TP.HCM: Nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở nhằm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân một cách toàn diện, liên tục.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu là giải pháp căn cơ và duy nhất để đạt mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Do đó việc phát triển và nâng cao năng lực cho y tế tuyến cơ sở là vô cùng cần thiết.

Sáng ngày 4/4/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động bệnh không lây nhiễm năm 2023 và Triển khai kế hoạch năm 2024 tại TP.HCM, với sự tham gia của lãnh đạo Sở Y tế và các phòng  chức năng, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các quận huyện và thành phố Thủ Đức, Phòng y tế, Trung tâm y tế.

Ảnh: Đại diện của các đơn vị tham dự Hội nghị

Theo báo cáo tại Hội nghị, chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm trong năm 2023 đã tập trung triển khai các hoạt động truyền thông, sàng lọc, quản lý bệnh không lây nhiễm và kiểm soát các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, uống rượu bia trên địa bàn TP.HCM.

Đáng chú ý, trong năm 2023 với sự hỗ trợ chuyên môn từ WHO, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai thí điểm gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu (gọi tắt  là  chương  trình WHO-PEN) tại 43 Trạm y tế (TYT) thuộc 10 quận, huyện trên địa bàn Thành phố. Cụ thể, chương  trình WHO-PEN gồm 3 hoạt động chính như nâng cao năng lực cho nhân viên y tế tham gia chương trình, hỗ trợ các điều kiện để TYT khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, qua đó góp phần gia tăng số bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường đến khám và lấy thuốc tại TYT. Trong năm 2024, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục đặt ra chỉ tiêu ít nhất 174 TYT đang khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ triển khai gói can thiệp thiết yếu này.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu vững chắc là con đường duy nhất để nâng cao sức khỏe cho người dân và mang lại lợi ích to lớn cho ngành y tế nói chung. Thực tế cho thấy dân số Việt Nam đang già hóa, đặt ra những thách thức cho hệ thống y tế. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của các bên liên quan, những phương pháp hỗ trợ tốt nhất đang được triển khai nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân. WHO cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển hệ thống y tế cơ sở để chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân.

Ảnh: TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO phát biểu tại Hội nghị

Đồng quan điểm với WHO, TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết chăm sóc sức khỏe ban đầu là giải pháp căn cơ và duy nhất để đạt mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng chỉ ra những rào cản trong việc triển khai khám, điều trị tại tuyến y tế cơ sở như quy định chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT, nhân lực và các yếu tố chủ quan khác từ TTYT, TYT...

Để giải quyết những thách thức này, cần tập trung vào việc nâng cao năng lực của TYT và đảm bảo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở. Một trong những giải pháp đầy hứa hẹn là triển khai tăng cường chất lượng khám bảo hiểm y tế một số bệnh cơ bản như tăng huyết áp, đái tháo đường và định hướng phát triển thêm hoạt động phục hồi chức năng kết hợp y học cổ truyền tại TYT. Mô hình này được kỳ vọng sẽ giúp TYT thu hút người bệnh, đồng thời góp phần phát triển y tế cơ sở và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Ảnh: TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát biểu tại Hội nghị

Sở Y tế TP.HCM cam kết đồng hành cùng y tế tuyến cơ sở để triển khai các hoạt động khám, chữa bệnh tại TYT. Bên cạnh phòng chống dịch, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại TYT là nhiệm vụ quan trọng thứ hai, tiếp theo là khám sức khỏe cho người cao tuổi. Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM mong muốn Tổ chức Y tế Thế giới sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Thành phố các hoạt động phát triển hệ thống y tế cơ sở trong thời gian tới.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố