TP.HCM: Kích hoạt trở lại Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 tăng nhẹ so với trước đây, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo ngành Y tế Thành phố kích hoạt trở lại “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”. Chiến dịch này sẽ được triển khai quyết liệt trong hai tháng 5 và 6 năm 2023.
Ảnh: Cuộc họp triển khai tại Sở Y tế TP.HCM
Đây là nội dung chính được thảo luận trong cuộc họp vào ngày 20/04/2023 về việc triển khai kích hoạt trở lại Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và công tác phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM do Sở Y tế TP.HCM tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị có liên quan thuộc 22 Quận/Huyện và TP. Thủ Đức.
Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ
Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố, từ tuần thứ 2 của tháng 4/2023, tỷ lệ mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng ở tất cả các nhóm tuổi. Trong đó, nhóm trên 65 tuổi có tỷ lệ mắc cao và tăng nhanh hơn so với các nhóm tuổi khác, kế đến là nhóm 50 – 65 tuổi. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 của Thành phố vẫn còn ở mức thấp so với tỷ lệ của cả nước.
Trong Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ được triển khai trước đây (cuối năm 2021-2022) đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, từ tháng 12/2021, Thành phố đã rà soát được 863.401 người nguy cơ. Tuy nhiên số người thuộc nhóm nguy cơ được lập danh sách trên phần mềm để quản lý là 785.917 người (đạt 91,03%). Bên cạnh đó, vận động được hơn 21.000 người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 đi tiêm vắc xin. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 4 ở nhóm đối tượng này còn tương đối thấp chỉ chiếm 45,01%.
Tiếp nối những kết quả đó, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo ngành Y tế Thành phố kích hoạt trở lại “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” và sẽ triển khai quyết liệt trong hai tháng 5 và 6 năm 2023. Chiến dịch sẽ bao gồm 4 hoạt động chính: Hoạt động 1: Cập nhật danh sách và quản lý; Hoạt động 2: Tổ chức tiêm vắc xin đầy đủ nhóm nguy cơ (đảm bảo tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 2 đạt tối thiểu 90%); Hoạt động 3: Chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19. Hoạt động 4: Tổ chức truyền thông, tư vấn và giáo dục sức khỏe.
Ảnh: Sở Y tế TP.HCM tổ chức cuộc họp với 22 Quận/Huyện và TP.Thủ Đức
Công tác phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM
Theo báo cáo tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch tại trường học cũng đã ghi nhận nhiều trường học có học sinh mắc các bệnh truyền nhiễm như COVID-19, tay chân miệng, thủy đậu, ... Vì vậy, bên cạnh việc bảo vệ nhóm nguy cơ cũng cần quan tâm đến phòng chống các bệnh truyền nhiễm trong trường học.
Qua đó, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị cần tăng cường thông tin các dịch bệnh cần quan tâm đến phụ huynh và các em học sinh. Đồng thời, ngành giáo dục tổ chức theo dõi giám sát sức khoẻ học sinh hằng ngày để phát hiện sớm và có hướng xử trí kịp thời. Bên cạnh đó, để phòng COVID-19, lãnh đạo Sở Y tế khuyến khích thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng máy lạnh để đảm bảo thoáng khí, ... Ngoài ra, cần dọn dẹp các vật chứa nước có nguy cơ gây phát sinh lăng quăng để ngăn ngừa dịch bệnh Sốt xuất huyết.
Để “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” thành công cần có sự tham gia và hưởng ứng của người dân. Trong đó, việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đủ liều và đúng lịch là vô cùng cần thiết, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, …). Vì đây là những đối tượng có nguy cơ bệnh nặng và tử vong cao hơn khi mắc COVID-19.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM