Quản Cáo  Topbanner

Sốt xuất huyết

Cập nhật: 00:00 - 10/06/2023 | Lần xem: 1432

TP.HCM: kết quả giám sát chủ động công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố.

Sáng ngày 06/6/2023, Đoàn giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) đã phối hợp với Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức và Trạm Y tế thực hiện giám sát công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại phường Hiệp Bình Chánh, Thành phố Thủ Đức. Đây là một trong những phường có số ca mắc Sốt xuất huyết cao trên địa bàn TP.Thủ Đức. Đoàn đã giám sát 6 điểm nguy cơ, trong đó phát hiện 4 điểm có lăng quăng, chiếm tỷ lệ 67%.

Hình ảnh đoàn giám sát điểm nguy cơ tại Nhà trồng mai (Hẻm 56, Đường 28, Tổ 26, Phường Hiệp Bình Chánh)

 

Các điểm nguy cơ tại Phường Hiệp Bình Chánh rất đa dạng về loại hình, từ nhà trọ cho thuê đến các hộ kinh doanh cây kiểng, quán cà phê và trường học,… Tại mỗi điểm nguy cơ, đoàn đã truyền thông cho người quản lý và những người đang sinh sống tại điểm về nguy cơ gây dịch bệnh từ các vật chứa xung quanh nơi ở của họ và các biện pháp loại bỏ vật chứa và ngăn không cho muỗi sinh sản. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật sẽ báo cáo kết quả giám sát này về Sở Y tế để Sở thông báo đến Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức chỉ đạo xử lý. Đồng thời, đoàn yêu cầu Trạm Y tế phường Hiệp Bình Chánh và Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức kiểm tra lại các điểm nguy cơ này sau 1 tuần. Nếu người chủ hoặc người đại diện không giải quyết dứt điểm thì Trạm Y tế sẽ đề xuất Ủy ban nhân dân phường thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với những cá nhân này. Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức có trách nhiệm báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố kết quả tái kiểm tra.

 

Hiện nay, Thành phố đang bước vào mùa mưa, qua công tác giám sát phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết, HCDC ghi nhận các địa phương còn nhiều điểm nguy cơ có lăng quăng. Việc rà soát, phân loại và xử lý các điểm nguy cơ là rất quan trọng, cần sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân. Xử lý được nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh là giải pháp rất căn cơ để kiểm soát dịch bệnh Sốt xuất huyết. Các Trạm Y tế cần tăng cường rà soát, đánh giá, xếp loại các điểm nguy cơ theo hướng dẫn mới của HCDC; qua đó tham mưu kế hoạch giám sát điểm nguy cơ trình Ủy ban nhân dân phường xã phân công nhân sự thực hiện.

 

Đồng thời, Trung tâm Y tế và Phòng Y tế các quận huyện tăng cường phổ biến việc phản ánh điểm nguy cơ lên app Y tế trực tuyến khi phát hiện điểm nguy cơ mà chưa được giải quyết. Trong vòng 24 giờ các phản ánh này sẽ được HCDC chuyển về Phòng Y tế các quận huyện để trình Ủy ban nhân dân chỉ đạo xử lý. Đây là một kênh thông tin hữu hiệu giúp chính quyền phát hiện sớm các điểm nguy cơ gây dịch trên địa bàn và có biện pháp xử lý kịp thời, qua đó chủ động kiểm soát dịch bệnh.

 

Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền, mỗi người dân cần phải chủ động phát hiện và xử lý sớm những vật chứa có thể đọng nước trong mỗi nơi ở và làm việc của mình để muỗi không có nơi sinh sản, góp phần bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng bằng cách mỗi tuần dành 10-15 phút để dọn dẹp các vật phế thải ứ đọng nước, thay nước bình hoa, cọ rửa và úp các vật chứa dùng trong sinh hoạt như xô, chậu, thau để ngoài trời.

 

Những vật phế thải phát sinh từ sinh hoạt hằng ngày nếu để ngoài trời đều có thể trở thành nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết – hình ảnh giám sát tại Dãy nhà trọ (56/5 Đường 28, Tổ 26, P.Hiệp Bình Chánh)

 

Ngay cả những hộ kinh doanh trên địa bàn cũng cần chủ động dọn dẹp các vật chứa có thể đọng nước xung quanh khuôn viên mình quản lý – Hình ảnh giám sát tại Nhà trồng mai (Hẻm 56, Đường 28, Tổ 26, P. Hiệp Bình Chánh)

 

Những vật dụng trang trí tại trường học cũng trở thành nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh nếu không kịp thời phát hiện hoặc xử lý – Hình ảnh giám sát tại Mầm non Sơn Ca 3 (157 Đường B Trưng Trắc, Tổ 43B, P. Hiệp Bình Chánh)

 

Ngành Y tế kêu gọi mỗi người dân cùng chung tay phòng, chống dịch sốt xuất huyết, thực hiện các biện pháp loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Khi phát hiện các điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng, người dân hãy phản ánh qua ứng dụng “Y tế trực tuyến”.

SỞ Y TẾ TP.HCM