TP. HCM: Nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối tháng 8
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 ngày 13/8/2021, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho biết riêng đợt 5 và 6, toàn Thành phố đã tiêm được tổng số 3.291.872 liều vắc xin phòng COVID-19, cộng với số đã tiêm đợt trước, toàn Thành phố có tổng số hơn 4,3 triệu người được tiêm vắc xin, trong đó hơn 100.000 người tiêm đủ 2 mũi.
Ảnh: Thành phố có tổng số hơn 4,3 triệu người được tiêm vắc xin
“Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”
Hiện tại toàn hệ thống tiêm chủng của Thành phố có sự tham gia của 87 bệnh viện và 1.200 đội tiêm tại các quận, huyện. Thành phố đã đẩy nhanh tốc độ tiêm, ngày cao điểm đạt 318.000 liều. Việc thực hiện tiêm chủng được triển khai rất linh động, bao gồm các điểm tiêm cố định và lưu động để hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn về di chuyển như người già, người khuyết tật…
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong tổng số 650.000 người thuộc đối tượng được tiêm chủng chính trong đợt này gồm người già trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền, Thành phố đã tiêm cho 456.391, đạt hơn 70% yêu cầu đặt ra.
Ông Dương Anh Đức cho biết hầu hết vắc xin do Bộ Y tế phân bổ đã được Thành phố tiêm hết. Như vậy Thành phố sẽ khai thác tiếp 1 triệu liều vắc xin Sinopharm đã được Bộ y tế thẩm định xong. Ông Dương Anh Đức khẳng định, Thành phố chỉ sử dụng vắc xin đáp ứng 2 điều kiện: được WHO thẩm định cấp phép sử dụng và Bộ Y tế thẩm định, cấp phép. Thành phố xác định đảm bảo chất lượng thì sẽ đưa vắc xin đó đến với người dân, và mong người dân ý thức tầm quan trọng của vắc xin và tiếp nhận khi có vắc xin.
Được biết, ngoài lô vắc xin Sinopharm, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh, đàm phán, tìm kiếm cơ hội, trong đó có 5 triệu liều Moderna. Tuy nhiên nhu cầu vắc xin Moderna trên thế giới rất cao nên việc mang được vắc xin này về trong tháng 10 hoặc trong năm 2021 là rất khó khăn.
“Hiện một số quốc gia đã cam kết tặng vắc xin cho Thành phố. Nếu kịp, trong tháng 8 này chúng ta có thể đạt mục tiêu bao phủ vắc xin cho 70% dân số Thành phố”, Phó chủ tịch Dương Anh Đức chia sẻ và khẳng định: “Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”. Việc bao phủ tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 sẽ giảm ca nhiễm mới, ca nặng và từ đó giảm số người tử vong.
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 giúp giảm nguy cơ bệnh trở nặng
Trong buổi họp báo, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, vắc xin phòng COVID-19 được tiêm vào trong cơ thể sẽ tạo ra kháng thể trung hòa với vi rút, kháng thể này được tạo ra từ tuần lễ thứ 2 sau khi tiêm. Tuy nhiên, không có loại vắc xin nào ngăn chặn 100% vi rút nhưng kháng thể từ vắc xin sẽ giúp ngăn chặn sự xâm nhập của vi rút vào các tế bào, làm giảm quá trình gây tổn thương tế bào các cơ quan bên trong cơ thể, ngăn chặn quá trình gây bệnh lý… Do đó, những người đã tiêm vắc xin, có kháng thể bảo vệ thì khả năng mắc COVID-19 sẽ giảm, nếu có mắc cũng triệu chứng nhẹ, ít khả năng tăng nặng và tử vong.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, nhiều người nghĩ rằng tiêm 2 mũi vắc xin sẽ không mắc COVID-19, tuy nhiên điều đó là sai lầm. Thời gian qua ghi nhận tại Việt Nam và trên thế giới có nhiều trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng vẫn mắc COVID-19. Bởi các biến chủng vi rút ngày càng mạnh hơn và có thể có khả năng kháng vắc xin. Tuy nhiên, vắc xin sẽ giúp giảm mức độ nặng của bệnh chứ không phải 100% không mắc bệnh. Vì vậy, dù đã tiêm vắc xin, người dân vẫn nên thực hiện nghiêm quy định 5K và giãn cách để tránh tình trạng lây nhiễm.
YT – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC)