Tin nổi bật ngày 14/7/2020
Thêm 1 trường hợp mắc COVID-19 trở về từ Nga, Việt Nam có 373 ca
Bản tin lúc 6h ngày 14/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận thêm 1 ca mắc COVID-19 là người trở về từ Liên bang Nga, được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Đến thời điểm này Việt Nam có 373 ca
CA BỆNH 373 (BN373): Bệnh nhân nam, 53 tuổi, có địa chỉ tại Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Ngày 09/7/2020, người này về nước trên chuyến bay VN5062 từ Liên bang Nga.
Sau khi nhập cảnh tại Sân bay Quốc tế Cần Thơ, được cách ly tập trung tại tỉnh Cà Mau.
Ngày 12/7, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau.
Tổng số ca mắc: - Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 14/7: đã 89 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
- Tính đến 6h ngày 14/7: Việt Nam có tổng cộng 232 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
- Tính từ 18h ngày 13/7 đến 6h ngày 14/7: ghi nhận 1 ca mắc mới.
Nguồn:
https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/them-1-truong-hop-mac-covid-19-tro-ve-tu-nga-viet-nam-co-373-ca
89 ngày không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, 30 người tiếp xúc với bệnh nhân 373
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đến nay đã tròn 89 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Có 30 người tiếp xúc với bệnh nhân 373Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đến nay đã tròn 89 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Có 30 người tiếp xúc với bệnh nhân 373
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Cà Mau, liên quan đến bệnh nhân 373 tên B. (nam, 63 tuổi, trú Hà Nội), qua rà soát, số người tiếp xúc gần với bệnh nhân này là 30 người. Đây là những người cùng trên máy bay, trên xe và cùng phòng cách ly tập trung.
Hiện, 30 trường hợp này đã được cách ly riêng tại Trung đoàn BB896 tỉnh Cà Mau, sức khỏe chưa ghi nhận bất thường. Ngành chức năng vẫn đang theo dõi theo quy định.
Nguồn:
Cục trưởng Y tế dự phòng: Đồng bộ giải pháp phòng chống dịch bạch hầu
Nếu người bệnh có triệu chứng viêm họng, mũi và thanh quản, họng đỏ, đau khi nuốt, mệt mỏi, nổi hạch dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ, có giả mạc dính chặt xung quanh tổ chức viêm thì cần phải nghĩ ngay tới bệnh bạch hầu, đặc biệt là các trường hợp ở những vùng đang có dịch. Bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể dự phòng bằng vaccine.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, dịch bệnh bạch hầu năm nay không có gì khác thường so với mọi năm. Biểu hiện của bệnh vẫn là sốt, đau họng, mệt mỏi và có giả mạc họng, hầu… Tuy nhiên, năm nay có một điểm khác là bệnh ghi nhận tại 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên với nhiều lứa tuổi đa dạng, từ trên 7 tuổi đến trường hợp trên 60 tuổi. Những trường hợp này, trước đó đều không được tiêm phòng hoặc không được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu. Riêng 3 trường hợp tử vong vừa qua là do bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Nguồn:
Số ca mắc tay chân miệng gia tăng tại nhiều tỉnh thành
Mặc dù số ca mắc tay chân miệng trên cả nước hiện nay có giảm so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên tại một số tỉnh, thành phố thời điểm này ghi nhận số ca mắc gia tăng.
Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh; thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín; tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm tay chân miệng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo trí, truyền hình.
Nguồn:
http://baochinhphu.vn/Suc-khoe/So-ca-mac-tay-chan-mieng-gia-tang-tai-nhieu-tinh-thanh/400761.vgp
Đã có hơn 300 trẻ mắc tay chân miệng thăm khám, điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Theo thống kê của Trung tâm bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Nhi Trung ương, tính từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 300 ca mắc tay- chân- miệng. Chỉ tính riêng 2 tháng 6-7, số lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh này đã tăng 5-6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Để chủ động phòng chống, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em)
2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín;
3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Nguồn:
Tin tổng hợp: Phú Khánh