Quản Cáo  Topbanner

Vấn Đề Sức Khỏe

Cập nhật: 17:13 - 03/09/2024 | Lần xem: 625

Tìm hiểu về bệnh Whitmore

Cách gọi là “bệnh do vi khuẩn ăn thịt người” là không đúng và đang gây hiểu nhầm, hoang mang cho người dân. TP,HCM đã nhiều năm không ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh này.

Ảnh minh họa: Tổn thương ở da, vi khuẩn gây bệnh xâm nhập qua vết thương ở da.

Bệnh Whitmore là gì?

Bệnh Whitmore còn được gọi là bệnh Melioidosis. Đây là một bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra.

Bệnh có biểu hiện như thế nào?

Bệnh có thể biểu hiện cấp tính hoặc vẫn tiềm ẩn trong nhiều năm sau khi có triệu chứng nhiễm trùng ban đầu. Tử vong theo ca bệnh là dưới 10%, trừ các trường hợp có nhiễm khuẩn huyết cấp tính. Vi khuẩn gây bệnh gây ra các thể bệnh thường gặp là viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết cấp tính/sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng khu trú.

Nhiễm trùng khu trú có biểu hiện dạng loét, hoại tử một hoặc nhiều nơi trên cơ thể. Có lẽ vì thế trong thời gian gần đây có người gọi là “bệnh do vi khuẩn ăn thịt người”. Cách gọi này không đúng và đang gây hiểu nhầm, hoang mang cho người dân.

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore có ở đâu?

Vi khuẩn gây bệnh có thể được phân lập từ đất và nước ở các quốc gia Đông Nam Á; Châu Úc; Trung, Tây, và Đông Phi; Ấn Độ; Trung Đông; và Trung Quốc.

Ai có nguy cơ mắc bệnh?

Nguy cơ mắc bệnh cao nhất đối với khách du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, quân nhân, công nhân xây dựng, thợ mỏ… khi tiếp xúc với đất hoặc nước bị nhiễm vi khuẩn B.pseudomallei.

Ở những vùng lưu hành, bệnh melioidosis có thể xảy ra ở bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, tình trạng rối loạn do sử dụng rươu, bệnh thận mạn tính, suy giảm miễn dịch bao gồm AIDS.

Vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể bằng cách nào?

Vi khuẩn có thể xâm nhập qua vết thương trên da, vết bỏng; qua nuốt phải, hít phải. Lưu ý vi khuẩn không lây trực tiếp từ động vật hoặc người nhiễm bệnh và không gây thành dịch lớn.

Bệnh được chẩn đoán ra sao?

Bệnh được chẩn đoán bằng cách tìm ra vi khuẩn gây bệnh từ tổn thương của cơ thể. B. pseudomallei có thể được nhận diện trong các dịch mủ bằng màu xanh methylene hoặc nhuộm gram và nuôi cấy.

Bệnh có điều trị được không?

Đối với bệnh nhân có triệu chứng điều trị bằng kháng sinh, lựa chọn ưu tiên là Ceftazidime dạng chích từ 2-4 tuần, sau đó dùng kháng sinh đường uống trong 3 đến 6 tháng. Bệnh nhân nhiễm mà không có triệu chứng thì không cần điều trị.

Phòng bệnh bằng cách nào?

• Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.

• Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

• Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/ gần nơi bị ô nhiễm.

• Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.

• Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

• Những người có bệnh nền như đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễm dịch… cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

• Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Những điểm chính cần nhớ:

• Vi khuẩn B. pseudomallei gây bệnh Whitmore sống trong đất, nước.

• Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da khi lội trong nước, bùn thời gian dài hoặc có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm vi khuẩn.

• Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người. Bệnh không lây lan thành dịch lớn.

• Điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm cũng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.

• Biểu hiện thông thường nhất là nhiễm trùng phổi cấp tính, nhiễm trùng khu trú ở da và/hoặc nhiều cơ quan khác có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết. Nhiễm trùng huyết là tình trạng bệnh có tỷ lệ tử vong cao.

• Bệnh được điều trị bằng kháng sinh.

 

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP (tổng hợp)