Tiết kiệm nước: Trách nhiệm chung của mỗi người
Nước là một trong những nhu cầu thiết yếu nhất trong cuộc sống con người. Việc cung cấp đủ nguồn nước sạch và an toàn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và duy trì an sinh xã hội. Tuy nhiên, nước không phải là tài nguyên vô tận, và việc tiết kiệm nước là cần thiết ngay cả ở những nơi có nguồn nước dồi dào. Ngoài việc tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, tiết kiệm nước còn giúp ngăn ngừa cạn kiệt nguồn nước ngầm, ngăn ngừa ô nhiễm nước ở các lưu vực và gián tiếp tiết kiệm điện năng sản xuất ra nước sạch.
Tình trạng thiếu nước hiện nay?
Nhiều nơi trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Điều này do điều kiện thời tiết xấu, dẫn đến lượng mưa ít hơn và cạn kiệt nguồn nước ngầm. Dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy nhiều người không được tiếp cận với nước sạch và nước ngọt. Thiếu nước đang là một vấn đề lớn cho thế giới hiện nay, đặc biệt khi con người gây ô nhiễm các nguồn nước sẵn có.
Ở Việt Nam, tình trạng thiếu nước mùa khô và lũ lụt mùa mưa đang xảy ra ở nhiều địa phương với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Thành phố Hồ Chí Minh, là trung tâm kinh tế, xã hội và chính trị lớn nhất nước, cũng đối mặt với thách thức về nước sạch.
Nguyên nhân phải tiết kiệm nước
Giảm nguy cơ thiếu nước trầm trọng: Lượng nước trên trái đất có khoảng 97% là nước mặn, chỉ còn 3% là nước ngọt. Phần lớn nước ngọt lại bị kẹt trong các tuyết lở và nước ngầm không thể sử dụng. Dự báo vào năm 2050, trên thế giới có khoảng 3,9 tỷ người không được sử dụng nước sạch. Tương đương với việc cứ 5 người sẽ có 2 người đối mặt với nguy cơ thiếu nước.
Giảm thiểu lượng nước ô nhiễm: Sử dụng nước tiết kiệm giúp giảm lượng nước cần xử lý. Quá trình này giúp giảm thiểu lượng chất thải hóa học và vi khuẩn gây ô nhiễm cho môi trường.
Tiết kiệm năng lượng: Tiết kiệm nước giúp giảm lượng khí thải và tác động của biến đổi khí hậu.
Tiết kiệm chi phí sinh hoạt: Khi tiết kiệm nước, bạn sẽ giảm bớt hóa đơn tiền nước hàng tháng của gia đình.
Các biện pháp tiết kiệm nước
Tắt nước khi không sử dụng: Đây là cách đơn giản nhưng hiệu quả. Hãy tắt vòi nước khi bạn không sử dụng, chẳng hạn khi đang đánh răng hoặc rửa tay.
Sử dụng các thiết bị tiết kiệm nước: Các thiết bị vệ sinh cũ thường sử dụng nhiều nước hơn các thiết bị mới, có chức năng tiết kiệm nước. Thay thế thiết bị vệ sinh đã cũ sẽ giúp tiết kiệm nước. Lựa chọn thiết bị vệ sinh thông minh và có tính năng tiết kiệm nước, tuy giá của những sản phẩm này có thể cao hơn nhưng sẽ mang lại nhiều lợi ích và tiết kiệm chi phí trong thời gian dài sử dụng.
Thường xuyên kiểm tra rò rỉ nước: Tình trạng đột nhiên số nước tăng vọt mà không rõ lý do. Nguyên nhân của sự cố này là do sự cố rò rỉ nước. Để kiểm tra đó là đọc số trên đồng hồ đo nước và ngưng sử dụng nước trong 2 tiếng, sau đó kiểm tra lại đồng hồ có nhảy số không? Nếu có, hãy kiểm tra ngay toàn bộ hệ thống vòi nước, đường ống, chậu rửa, phòng tắm, phòng bếp … để tìm vị trí bị rò rỉ và khắc phục.
Tận dụng nước cho nhiều mục đích: Nhiều người có thói quen sử dụng nước sau đó đổ luôn đi, rất lãng phí. Thay vào đó, bạn có thể tận dụng nguồn nước này cho nhiều mục đích khác nhau. Chẳng hạn nước rửa rau có thể mang đi tưới cây, tưới đất; nước giặt bằng tay có thể cọ rửa nhà tắm …
Tiết kiệm nước tưới cây: Chỉ nên tưới nước cho cây khi cần thiết. Tưới nước vào sáng sớm sẽ giúp giảm lượng nước thất thoát so với trời gió, nắng do hiện tượng bay hơi, đồng thời lại có thể ngăn ngừa sự phát triển của nấm, sự phá hoại của chuột, ốc sên và các loại côn trùng.
Tiết kiệm nước khi dùng thiết bị: Máy giặt, máy rửa bát là thiết bị tốn nhiều nước. Tuy nhiên, máy thường được trang bị nhiều chế độ giặt, rửa khác nhau, người sử dụng nên chọn chế độ phù hợp, điều chỉnh công suất để tránh lãng phí nước.
Khoa Sức khỏe cộng đồng – Môi trường và bệnh nghề nghiệp, HCDC