Thành phố Hồ Chí Minh: Tình hình dịch bệnh tuần 26 (từ ngày 26/6/2023 đến ngày 02/7/2023)
Trong tuần 26, số ca bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng nhanh. Số ca mắc bệnh là 1.069 trường hợp trong đó có 143 ca điều trị nội trú, tăng lần lượt gấp 2 lần và 1,2 lần so với trung bình 4 tuần trước. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn.
Tổ chức truyền thông tại trường mầm non cho phụ huynh (nguồn; Trung tâm Y tế Quận 10)
Tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM)
Trong tuần 26, Thành phố ghi nhận 1.069 ca tay chân miệng, tăng 106,6% so với trung bình 4 tuần trước (518 ca); trong đó, số ca nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú đều tăng lần lượt là 17,7% và 133,8%.
Số ca mắc tích lũy đến tuần 26 là 4.827 ca, thấp hơn 40% so với cùng kỳ năm 2022 (8.042 ca). Trong tuần 26, ghi nhận hầu hết các quận huyện đều có số ca mắc trong tuần tăng so với trung bình 4 tuần trước (21/22 quận huyện), trừ Quận 1 có số ca mắc không thay đổi.
Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXH)
Trong tuần 26, Thành phố ghi nhận 167 trường hợp mắc bệnh, giảm 6,6% so với trung bình 4 tuần trước; trong đó, số ca nhập viện điều trị nội trú giảm 23,3% nhưng số ca khám ngoại trú tăng 10,4%.
Số ca mắc tích lũy đến tuần 26 là 8.482 ca, giảm 59% so cùng kỳ năm 2022 (20.676 ca). Trong tuần, có 8/22 quận huyện và 15/312 phường xã có số ca bệnh tăng so với số mắc trung bình 4 tuần trước.
Tình hình bệnh COVID-19
Trong tuần 26, ghi nhận 10 ca bệnh xác định nhiễm SARS-CoV-2 được Bộ Y tế công bố (bao gồm 03 ca dương tính SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, 07 ca xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính có yếu tố dịch tễ), giảm 50% so với tuần 25 (20 ca). Tính từ ngày 01/01/2023 đến ngày 02/07/2023 ghi nhận 5.129 ca xác định.
Các hoạt động phòng, chống SXH đã triển khai
Các UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức tiếp tục triển khai các hoạt động triệt nơi sinh sản của muỗi, đánh giá xử lý các điểm nguy cơ gây dịch SXH.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC) tiếp tục tăng cường công tác giám sát và tái giám sát các điểm nguy cơ và hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Qua giám sát trong tuần, HCDC đã phát hiện có 5/17 điểm có lăng quăng (tại Quận 3, Nhà Bè và Củ Chi). Sở Y tế thông tin cho UBND quận huyện biết để chỉ đạo, kiểm tra giám sát các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn.
Các hoạt động phòng, chống TCM đã triển khai
Các UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường hoạt động phòng chống tay chân miệng trên địa bàn bao gồm giám sát, điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan; đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng chống bệnh Tay chân miệng; đặc biệt chú trọng phòng chống dịch trong trường học.
HCDC tiếp tục tăng cường giám sát những hoạt động phòng, chống tay chân miệng tại cộng đồng, các trường học, trường mầm non công lập và tư thục và nhóm trẻ trên địa bàn; tăng cường các hoạt động truyền thông, khuyến cáo cộng đồng về phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.
Khuyến cáo
Tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa, có thể diễn tiến nặng nhanh đe dọa tính mạng của trẻ. Vì vậy, phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên cần thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ:
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ.
2. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày.
3. Khi trẻ mắc bệnh hãy để trẻ ở nhà ít nhất 10 ngày để theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ
Giám sát, xử lý các điểm nguy cơ phát sinh dịch là biện pháp rất qua trọng trong phòng sốt xuất huyết. Người dân khi phát hiện khu vực, địa điểm có các vật chứa đọng nước gây phát sinh lăng quăng, hãy phản ánh thông tin qua ứng dụng Y tế trực tuyến. Thông tin sẽ được chuyển gửi về chính quyền địa phương để xử lý.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC)