Quản Cáo  Topbanner

Tin tức mới nhất

Cập nhật: 18:22 - 07/04/2020 | Lần xem: 3149

Những bước chân trong tuyến đầu chống dịch

Những bước chân ấy cứ thế vội vã hơn khi mỗi ngày trôi qua!

Điều tra, xác minh là hai từ gắn liền với cán bộ y tế làm công tác phòng chống dịch. Từ cái thời chưa có Covid-19, bước chân ấy vẫn phải đi đến từng nhà, tiếp xúc từng người để điều tra, xác minh các trường hợp bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng hay các bệnh truyền nhiễm khác. Khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, cũng với những công việc quen thuộc ấy nhưng bước chân của họ lại càng thêm vội vã, căng thẳng và mệt mỏi hơn.

Ảnh: Tại con hẻm nhỏ, cán bộ Trạm y tế thực hiện khảo sát y tế trường hợp về từ campuchia ngay khi liên lạc được

Khi danh sách người cần điều tra, giám sát, cách ly được gửi về, hay khi có những phản ảnh của người dân, hay là những thông tin từ các đơn vị trên địa bàn phường liên quan vấn đề Covid-19, bước chân ấy lại trong tư thế sẵn sàng “chiến đấu” bất kể ngày hay đêm. Người cán bộ y tế vận dụng khéo léo các biện pháp để người dân chịu hiểu và hợp tác, chịu nói hết những tâm tư của mình và quan trọng nhất là chịu nghe, chịu làm theo những gì cán bộ y tế nói.

Những buồn vui với nghề

Có hôm nhận được thông báo xác minh gấp một trường hợp từ sáng sớm, nhân viên y tế đã vội vã đến ngay nhà người dân. Vừa gặp mặt, người trong nhà đã chửi tới tấp chưa cần biết chuyện gì, phải nhờ anh công an “dàn xếp” êm xui rồi mới vào nhà nói chuyện. Đây cũng là chuyện bình thường mà những người làm công tác phòng chống dịch hay gặp phải, vì tâm trạng của người dân vào thời điểm này cũng khó kiểm soát được. Nhân viên y tế phải tự dặn lòng giữ bình tĩnh thì mới giúp người khác bình tĩnh được.

Cũng có những câu chuyện khá ngộ nghĩnh. Không biết ai vô tình phát hiện người dân trong xóm treo cái khẩu trang trên cành cây trước nhà, rồi tức thời phản ảnh ngay. Sau khi tiếp nhận thông tin, chị Trưởng trạm đã đến giải thích, hướng dẫn người nhà sử dụng, loại bỏ khẩu trang đúng cách, đồng thời trấn an dư luận vì người dân lo lắng khẩu trang này có thể phát tán vi-rút.

Ảnh: Khẩu trang treo trên cây trước nhà, mặc dù không phải nhà người bệnh hay người cách ly nhưng vẫn làm người xung quanh sợ gây phát tán vi rút

Hay là câu chuyện bác kế bên nhà bỗng dưng bị sốt, người dân liền gọi điện phản ảnh. Lúc này cán bộ y tế nhanh chóng xuống tận nhà, thực hiện khám sàng lọc và thông báo rằng người này sốt do bệnh khác, không phải là Covid-19 vì không có những biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp. Đúng thật, thời gian đầu khi Covid-19 mới xuất hiện, một cái hắt hơi hay một tiếng ho cũng làm con người ta cảnh giác cao độ. Xử lý phản ánh. rồi lại phải làm truyền thông để trấn an tâm lý cho những người dân xung quanh.

Cũng có trường hợp, người Úc về Việt Nam vẫn tổ chức đám cưới nhưng hoãn tổ chức tại nhà hàng vì hạn chế tiếp xúc đông người và vẫn tổ chức tại nhà gọn nhẹ trong gia đình. Rồi những phản ảnh của người dân, liên tục hỏi cán bộ trạm y tế “sao cứ để người nước ngoài về nhiều thế”, “sao lại cho tổ chức đám cưới ở thời điểm này”, … Từ đó, rất nhiều những thắc mắc, thậm chí là những hoài nghi của người dân liên quan đến công tác phòng chống dịch tại địa phương được đặt ra.

Ảnh: Cán bộ y tế giải thích, vận động hoãn tổ chức đám cưới (trường hợp người Úc về Việt Nam định tổ chức cưới vợ là người Việt) vào ngày 11/3/2020

Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong

Nhưng đau đầu nhất vẫn là những trường hợp người không tuân thủ quy định cách ly. Lúc đó, người cán bộ y tế phải thực hiện giải thích, vận động và truyền thông rất nhiều - những biện pháp được ưu tiên thực hiện hàng đầu. Chỉ trong trường hợp người cách ly nhất quyết không chịu hợp tác thì mới phải dùng đến biện pháp cưỡng chế, vì không muốn gây hoang mang cho những người còn lại.

Ảnh: Cán bộ y tế đến nhà giải thích, vận động người dân thực hiện tốt tuân thủ cách ly ngay trong đêm

Cứ tưởng tất cả những điều này sẽ làm cho người cán bộ y tế thêm mệt mỏi trong khi giải quyết công việc chuyên môn. Nhưng không, trong dịch bệnh Covid-19 này, người dân mình hay lắm, có gì là họ thông báo ngay. Có khi nhờ người dân mà mình phát hiện ra những trường hợp thuộc diện cần giám sát.

Để có được tương tác tích cực từ người dân, người nhân viên y tế tuyến đầu đã rất vất vả. Thậm chí có nhiều tình huống còn nan giải hơn khi làm việc cùng cộng đồng. Ở đâu người dân chủ quan thì truyền thông, giải thích. Ở đâu người dân hoang mang thì kịp thời trấn an, đính chính thông tin.

Không quản ngại, những cán bộ trạm y tế cứ thế truyền thông, giải thích cho đến khi người dân “chịu” và “nói”. Từ đó, cộng đồng cùng tham gia tốt với chính quyền địa phương trong công tác chống dịch Covid-19 như Bác Hồ đã từng dạy: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Nghề là nghiệp

Trạm Y tế là một mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, là nơi gần dân nhất. Những cán bộ ở trạm y tế chính là người nắm rõ địa bàn của mình nhất. Công việc cán bộ y tế nơi tuyến đầu không phải ai cũng hiểu. Nhưng với họ nghề chính là nghiệp.

Nếu đã chọn thì phải gánh theo cái nghiệp của nghề mang lại, trong đó cũng lắm niềm vui, hạnh phúc khi cố gắng của mình được đền đáp xứng đáng. Niềm vui của họ đơn giản là biết rằng mình đang đóng góp phần nào đó công sức vào trận chiến phòng chống dịch. Bên cạnh họ là những đồng nghiệp tận tụy, yêu nghề, sẵn sàng bước chân về phía trước. Tuy nhiên, ẩn sau đó còn là những nỗi buồn mà chỉ có  người thật sự yêu công việc này mới có thể tiếp tục cống hiến và chiến đấu.

Công việc của cộng đồng nó như “một cái túi không đáy”. Đó là cách nói vui để chỉ công việc của cán bộ tuyến đầu.

Khi Covid-19 kết thúc, những người cán bộ đang làm việc tại các trạm y tế cũng như những người cán bộ y tế khối dự phòng lại tiếp tục với những nhiệm vụ phía trước vẫn còn dang dở, nhưng phải tạm gác lại vì công tác phòng chống dịch.

Và những bước chân đó vẫn sẽ tiếp tục bước đi không kể ngày hay đêm.

Ngọc Châu - Trung tâm Y tế Quận 6