Quản Cáo  Topbanner

Vấn Đề Sức Khỏe

Cập nhật: 09:01 - 23/09/2024 | Lần xem: 445

Nguy cơ ngã và biện pháp dự phòng tại nhà

Ngã là một vấn đề y tế quan trọng, đặc biệt ở người cao tuổi. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, có 684.000 trường hợp tử vong do té ngã xảy ra mỗi năm, khiến cho té ngã trở thành nguyên nhân tử vong do thương tích không chủ đích đứng thứ hai (sau tai nạn giao thông). Hơn 80% trường hợp tử vong do té ngã xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ tử vong cao nhất ở người lớn trên 60 tuổi [4].

Tại sao chúng ta lại dễ bị ngã?

Các yếu tố nguy cơ gây ngã bao gồm độ tuổi, giới tính và môi trường. Người cao tuổi có nguy cơ tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng do ngã cao nhất và nguy cơ này tăng dần theo tuổi. Bên cạnh đó, nhóm đối tượng có nguy cơ cao khác chính là trẻ em [4]. Sự bất cẩn của người lớn khi không trông coi trẻ đúng cách khiến trẻ ngã từ xe đẩy, trên võng, trên giường hoặc trên cao xuống. Sự tò mò và hiếu động của trẻ: Trèo hoặc đứng trên ghế hoặc đồ vật kê không vững; Chạy nhảy hoặc nô đùa ở những nơi ẩm ướt, trơn trượt như nhà tắm, sàn nước, sàn nhà mới lau, sân chơi sau mưa,…; Chơi đùa, xô đẩy nhau ngã, thường gặp ở nhà, ở trường học, trên đường đi học, đi chơi. Cũng là nguyên nhân thường dẫn đến té ngã ở trẻ em [2] [1]. Cả hai giới đều có nguy cơ bị ngã. Ở một số quốc gia, nam giới có nhiều khả năng tử vong do ngã hơn nữ giới. Phụ nữ lớn tuổi và trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị ngã và chấn thương nghiêm trọng hơn [4].

Nhóm nghề nghiệp phải làm việc trên cao hoặc các điều kiện làm việc nguy hiểm khác.

Sử dụng rượu hoặc chất gây nghiện.

Các yếu tố kinh tế xã hội bao gồm nghèo đói, nhà ở quá đông đúc, cha mẹ đơn thân,…

Tình trạng bệnh lý tiềm ẩn như bệnh lý thần kinh, tim mạch hoặc các tình trạng khuyết tật khác.

Tác dụng phụ của thuốc, tình trạng ít vận động thể lực và mất thăng bằng, đặc biệt là ở người lớn tuổi.

Khả năng nhận thức, vận động và thị lực kém, đặc biệt là ở những người lớn tuổi sống trong viện dưỡng lão.

Môi trường không an toàn, đặc biệt đối với những người mất thăng bằng và thị lực hạn chế.

Làm thế nào để phòng ngừa ngã?

Người cao tuổi [3]:

Xây dựng không gian sống an toàn cho người cao tuổi bằng cách bố trí đồ đạc gọn gàng, hợp lý, trong nhà kể cả nhà vệ sinh sử dụng gạch lót nền, thảm trải nền có độ bám tốt chống trơn trượt, xây dựng không gian sống đảm bảo đủ ánh sáng, bố trí thanh vịn, tay nắm vững chắc để phòng ngừa té ngã.

Thường xuyên vận động thể lực, tuy nhiên cần lựa chọn hình thức vận động phù hợp với thể trạng và sức khỏe.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất giúp hạn chế tình trạng loãng xương, yếu cơ, cũng như các bệnh lý mạn tính khác.

Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe tại nhà cũng như thăm khám định kỳ phòng ngừa các nguy cơ té ngã.

Trẻ em [1] [2]:

Đối với trẻ nhỏ, phải luôn có người lớn ở bên cạnh chăm sóc khi ăn, ngủ, chơi.

Trang bị rào chắn hoặc thanh bảo vệ ở những nơi như cầu thang, cửa sổ và ban công tại nhà. Đảm bảo đủ ánh sáng tại các bậc thềm, cầu thang.

Phụ huynh cần quan tâm giáo dục trẻ không xô đẩy nhau, không leo trèo, dạy trẻ biết các nguy cơ và hậu quả có thể xảy ra khi ngã, kỹ năng phòng tránh khi đi vào những nơi dễ ngã như cầu thang, nhà tắm, nơi trơn trượt, tránh các trò chơi nguy hiểm như nhảy từ trên cao, thả diều trên sân thượng, lòng đường.

Phụ huynh cũng cần trang bị cho bản thân kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho trẻ trong trường hợp trẻ bị ngã.

         

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Y tế (2017) Phòng ngừa tai nạn ngã ở trẻ em, https://moh.gov.vn/web/phong-chong-tai-nan-thuong-tich/thong-tin-tuyen-truyen-dao-tao/-/asset_publisher/y1HBDqztr86t/content/phong-ngua-tai-nan-nga-o-tre-em?inheritRedirect=false, truy cập ngày 24/6/2024.

2. Phương Thu Nguyễn (2019) Tai nạn thương tích ở trẻ em và cách đề phòng, Bộ Y tế, https://www.moh.gov.vn/en_US/web/phong-chong-tai-nan-thuong-tich/tin-noi-bat/-/asset_publisher/iinMRn208ZoI/content/tai-nan-thuong-tich-o-tre-em-va-cach-e-phong, truy cập ngày 24/6/2024.

3. Phương Thu Nguyễn (2020) Phòng chống té ngã ở người cao tuổi, Bộ Y tế, https://moh.gov.vn/web/phong-chong-tai-nan-thuong-tich/tin-noi-bat/-/asset_publisher/iinMRn208ZoI/content/phong-chong-te-nga-o-nguoi-cao-tuoi, truy cập 24/6/2024.

4. World Health Organization (2021) Falls, https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/falls, accessed on 26/4/2024.