Ngày thế giới nhận thức tự kỷ năm 2022: Chất lượng giáo dục toàn diện cho tất cả mọi người
Tự kỷ hoặc rối loạn phổ tự kỷ (Autism spectrum disorder, viết tắt là ASD) là một khuyết tật đề cập đến một loạt các tình trạng được đặc trưng bởi những vấn đề về kỹ năng xã hội, hành vi và khả năng giao tiếp ở những trẻ mắc bệnh. Chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ có thể khó khăn vì không có xét nghiệm nào để chẩn đoán chứng rối loạn này. Các bác sĩ thường dựa trên lịch sử phát triển và hành vi của trẻ để đưa ra chẩn đoán. Rối loạn phổ tự kỷ đôi khi có thể được phát hiện khi trẻ 18 tháng hoặc nhỏ hơn. Đến 2 tuổi, chẩn đoán được đưa ra từ một chuyên gia có kinh nghiệm là rất đáng tin cậy.
Một số dấu hiệu trẻ mắc chứng tự kỷ có thể bao gồm:
- Tránh sự giao tiếp bằng mắt,
- Ít quan tâm đến những đứa trẻ hoặc người chăm sóc khác,
- Khả năng ngôn ngữ hạn chế (ví dụ: có ít từ ngữ hơn các bạn cùng lứa tuổi hoặc khó sử dụng các từ để giao tiếp)
- Khó chịu vì những thay đổi nhỏ trong thói quen.
Trong thập kỷ vừa qua, những tiến bộ lớn đã được thực hiện nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cho những trẻ mắc chứng tự kỷ. Tuy nhiên, vào năm 2020, khi đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, phần lớn các quốc gia đã thông báo đóng cửa tạm thời các trường học, ảnh hưởng đến hơn 90% học sinh trên toàn thế giới. Sự gián đoạn trong học tập do đại dịch đã gây đảo ngược và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục. Từ đó, nhiều học sinh mắc chứng tự kỷ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đề cập đến nhu cầu đảm bảo tiếp cận bình đẳng với mọi trình độ giáo dục và đào tạo nghề cho người khuyết tật, xây dựng và nâng cấp các cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật, đồng thời cung cấp môi trường học tập hòa nhập và hiệu quả cho tất cả mọi người.
Thủy Tiên – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM
Nguồn:
[1] https://www.un.org/en/observances/autism-day