Hướng dẫn phân loại chất thải y tế đúng cách
Việc phân loại chất thải y tế sẽ giúp đảm bảo an toàn, tránh bị thương hay lây nhiễm cho nhân viên trong công tác thu gom, xử lý, tránh nguy cơ lây nhiễm thứ phát cho cộng đồng và bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro từ chất thải y tế.
Chất thải y tế là chất thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế, bao gồm chất thải y tế nguy hại, chất thải rắn thông thường, khí thải, chất thải lỏng không nguy hại và nước thải y tế. Chất thải y tế nếu không được phân loại, thu gom và xử lý tốt sẽ là nguồn lây lan bệnh tật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của con người.
Sự nguy hiểm của chất thải y tế nguy hại
Chất thải y tế nguy hại bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm. Trong đó, chất thải lây nhiễm sẽ gồm có chất thải lây nhiễm sắc nhọn, chất thải lây nhiễm không sắc nhọn, chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao và chất thải giải phẫu.
Chất thải lây nhiễm sắc nhọn có thể chọc thủng hoặc gây ra các vết cắt, gây nhiễm khuẩn do dính, chứa máu của cơ thể hoặc chứa vi sinh vật gây bệnh trong các hoạt động y tế. Nếu chất thải lây nhiễm sắc nhọn không được thải bỏ đúng cách thì các nhân viên y tế và cộng đồng có thể bị tổn thương do vật sắc nhọn, đặc biệt các vật sắc nhọn có dính máu, dịch cơ thể của các bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao lây nhiễm các mầm bệnh truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C.
Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn không được quản lý đúng cách sẽ dẫn đến dễ bị lây nhiễm các bệnh lây qua đường máu (như HIV, viêm gan B, viêm gan C…); các bệnh lây qua đường hô hấp (như SARS, lao, sởi, rubella, quai bị, …); và các bệnh lây qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, …
Chất thải nguy hại không lây nhiễm không được quản lý đúng cách có thể gây nhiễm độc cấp tính nếu tiếp xúc ở nồng độ cao hoặc hít phải hơi độc, gây bỏng nếu tiếp xúc trực tiếp qua da, niêm mạc đường hô hấp hoặc bị bắn vào mắt, đặc biệt khi tiếp xúc với các chất dễ cháy, chất ăn mòn như các chất khử trùng, các hoá chất gây phản ứng như formaldehyde và các chất dễ bay hơi khác. Ngoài ra, khi lưu trữ một lượng lớn các chất thải hóa học dễ cháy, hoặc lưu trữ cùng nhau dễ gây ra các phản ứng, dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất lớn.
Các chất thải y tế do người bệnh, thân nhân người bệnh phát thải ra
Phần lớn chất thải y tế do bệnh nhân, thân nhân người bệnh thải bỏ ra khi đến khám bệnh, chữa bệnh ở các cơ sở y tế là chất thải thông thường như chất thải rắn sinh hoạt(như thức ăn thừa, hộp xốp đựng thức ăn, túi nilon, ...); chất thải thông thường được phép thu gom tái chế (như chai nước, lon nước ngọt, giấy, …) và một ít chất thải lây nhiễm (như bông thấm sau khi tiêm, lấy máu, băng gạc vết thương, tất cả chất thải từ buồng bệnh cách ly, khu vực điều trị cách ly, khu vực lấy mẫu xét nghiệm người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A, nhóm B, …).
Phân loại chất thải y tế đúng cách
Việc phân loại chất thải y tế đúng cách là rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho con người và môi trường; không chỉ giúp cho môi trường bệnh viện, phòng khám được sạch sẽ thoáng mát, mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng với việc xử lý rác thải góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm.
Chất thải y tế sẽ được phân loại theo 3 nguyên tắc gồm (1) Chất thải y tế phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh; (2) Từng loại chất thải y tế phải phân loại riêng vào trong thùng chứa chất thải theo quy định; (3) Trường hợp chất thải lây nhiễm để lẫn với chất thải khác thì hỗn hợp chất thải đó phải thu gom, lưu giữ và xử lý như chất thải lây nhiễm.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh