Ngày thế giới nhận thức Tự kỷ năm 2025: Thúc đẩy sự đa dạng nhận thức và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc
Thuật ngữ "đa dạng nhận thức" đề cập đến sự đa dạng của tất cả mọi người và thường được sử dụng trong rối loạn phổ tự kỷ (Autism spectrum disorder - ASD).
Phong trào đa dạng nhận thức bắt đầu hình thành từ những năm 1990, với mục tiêu tăng cường sự chấp nhận, hòa nhập và tôn trọng những khác biệt trong hoạt động nhận thức của mỗi người. Nhờ các nền tảng trực tuyến, cộng đồng người tự kỷ ngày càng dễ dàng kết nối và xây dựng phong trào tự vận động mạnh mẽ hơn. Cũng trong giai đoạn này, nhà xã hội học người Úc là Judy Singer đã đưa ra thuật ngữ "đa dạng nhận thức" nhằm thúc đẩy sự bình đẳng và hòa nhập.
Người mắc rối loạn phổ tự kỷ (ASD) có thể hành xử, giao tiếp, tương tác và học hỏi theo những cách khác biệt so với hầu hết mọi người. Thường thì không có đặc điểm ngoại hình nào khiến họ khác biệt với người khác. Khả năng của người mắc ASD có thể rất khác nhau. Ví dụ, một số người mắc ASD có thể có kỹ năng trò chuyện tốt trong khi những người khác có thể không dùng lời nói. Một số người mắc ASD cần nhiều sự giúp đỡ trong cuộc sống hàng ngày, ngược lại ở những người khác có thể làm việc và sống mà cần ít hoặc không cần hỗ trợ.
ASD bắt đầu trước 3 tuổi và có thể kéo dài suốt cuộc đời, mặc dù các triệu chứng có thể thay đổi theo thời gian. Một số trẻ biểu hiện triệu chứng ASD trong vòng 12 tháng đầu đời. Ở những trẻ khác, các triệu chứng có thể không xuất hiện cho đến 24 tháng tuổi hoặc muộn hơn. Một số trẻ mắc ASD đạt được các kỹ năng mới và các cột mốc phát triển cho đến khoảng 18 đến 24 tháng tuổi, rồi sau đó ngừng tiếp thu kỹ năng mới hoặc mất đi những kỹ năng đã từng có.
Khi bước vào giai đoạn thanh thiếu niên và tuổi trưởng thành, người mắc ASD có thể đối mặt với những thử thách trong việc xây dựng, duy trì tình bạn, giao tiếp hiệu quả với bạn bè đồng trang lứa và người lớn. Việc hiểu và đáp ứng các kỳ vọng về hành vi xã hội ở trường học hay nơi làm việc cũng có thể là một khó khăn. Bên cạnh đó, họ có thể cần đến sự chăm sóc y tế không chỉ vì ASD mà còn vì các tình trạng thường đi kèm như rối loạn lo âu, trầm cảm, hay rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Các tình trạng này có tỷ lệ xuất hiện ở người mắc ASD cao hơn so với dân số chung.
Ngày thế giới nhận thức Tự kỷ là một sự kiện chăm sóc sức khỏe toàn cầu được tổ chức vào ngày 2 tháng 4 hàng năm về việc chấp nhận, hỗ trợ và hòa nhập những người tự kỷ, và để ủng hộ quyền của họ. Chủ đề năm nay làm nổi bật mối liên hệ giữa đa dạng nhận thức và các nỗ lực bền vững toàn cầu. Sự kiện này cho thấy các chính sách và hoạt động mang tính hòa nhập có thể thúc đẩy những thay đổi tích cực cho người tự kỷ trên toàn thế giới và đóng góp vào việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Tài liệu tham khảo:
[1] Liên Hợp Quốc: https://www.un.org/en/observances/autism-day
[2] CDC Hoa Kỳ: https://www.cdc.gov/autism/about/index.html
[3] Trường Y Harvard: https://www.health.harvard.edu/blog/what-is-neurodiversity-202111232645
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố