Quản Cáo  Topbanner

  • Người Đang Online:{{_couter.online}}
  • Hôm Nay Online:{{_couter.today}}
  • Tổng Truy Cập:{{_couter.total}}

“Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”


Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022, thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào chủ đề: “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng” với nội dung chủ yếu là vận động, truyền thông thay đổi hành vi, giảm kỳ thị phân biệt đối xử, mở rộng việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị bằng thuốc kháng vi rút cho người nhiễm HIV/ AIDS.

Ngày 01/12/2022, tại thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ ban nhân dân thành phố Thủ Đức phối hợp với Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Mít tinh, diễu hành nhằm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2022.

Mít tinh có sự tham dự của TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế; ThS.BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC); đồng chí Nguyễn Kỳ Phùng - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức; Bà  J. Sunshine Lickness _ Phó Giám đốc Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại TP.HCM, cùng có sự hiện diện của đại diện các Sở, ngành, đoàn thể Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các Quận/Huyện và thành phố Thủ Đức, Phường/Xã, Trung tâm Y tế Quận/Huyện và thành phố Thủ Đức, các bệnh viện tuyến Thành phố Hồ Chí Minh, Quận/Huyện và thành phố Thủ Đức, các trường Đại học, các tổ chức xã hội, nhóm tự lực, thiện nguyện, các tổ chức tôn giáo, các phóng viên báo, đài, và đông đảo người dân tham dự.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu chỉ đạo trong lễ Mít tinh

 

Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở Y tế, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cảm ơn các tổ chức quốc tế trong nhiều năm qua đã đóng góp tài chính và kinh nghiệm cho công tác phòng, chống HIV/AIDS của thành phố Hồ Chí Minh; cảm ơn các Sở, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn báo chí đã nhiệt tình tham gia và tổ chức các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, để giữ vững được thành quả hoạt động, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững của thành phố.

Bên cạnh đó, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng nhấn mạnh: “Tính đến nay, kết quả đối với mục tiêu 95-95-95 thành phố đã đạt được tương ứng 92%-90,8%-99%. Tuy nhiên, tình hình dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, HIV/ AIDS vẫn đang là vấn đề sức khoẻ cộng đồng đáng quan tâm. Thành phố đã luôn xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương; đồng thời, thực hiện cam kết của các cấp chính quyền qua việc đầu tư ngân sách ngày càng nhiều hơn cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. UBND thành phố đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án đảm bảo tài chính thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, theo đó Thành phố đảm bảo đầu tư các nguồn lực cho phòng, chống HIV/ AIDS phù hợp với tình hình dịch HIV/AIDS”. Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia và Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS năm 2022, Phó Giám đốc Sở Y tế kêu gọi:

1. Toàn thể xã hội cùng hưởng ứng và chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tp.Hồ Chí Minh. Ngành Y tế phải tăng cường hơn nữa sự tham gia của cả hệ thống y tế, bao gồm cả hệ thống y tế công và tư, từ tuyến thành phố, quận, huyện đến phường, xã trong việc mở rộng điều trị ARV để đảm bảo cho bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị liên tục

2. Kêu gọi sự tham gia tích cực hợn nữa của đội ngũ thanh niên thành phố; trong đó có các biện pháp để ngăn ngừa lây truyền HIV trong nhóm tuổi trẻ từ 15-25 tuổi; sự tham gia của các bạn thanh niên là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của công tác Phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.

3. Kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa của các cấp lãnh đạo trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện các cam kết hành động phòng, chống HIV/AIDS; phải xây dựng được ý thức phòng, chống  của cả cộng đồng thì mới có thể góp phần đẩy lùi dịch HIV/AIDS. Bên cạnh đó, thành phố khuyến khích các đột phá, sáng kiến cải tiến mới trong phòng, chống HIV/AIDS để triển khai hoạt động hiệu quả khi nguồn viện trợ quốc tế đang bị cắt giảm mà thành phố cần mở rộng, đa dạng hoá các hình thức tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, duy trì hệ thống chăm sóc, điều trị HIV/AIDS chất lượng, hiệu quả…Đồng thời, tôi cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Thành phố thực hiện tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn 2022-2025 nói chung và hướng đến kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030

Tại lễ Mít tinh, đoàn xe diễu hành cổ động nhằm vận động người dân

 

Tại lễ Mít Tinh, đại diện người nhiễm HIV chia sẻ “tôi được sự nhiệt tình chăm sóc, ân cần tư vấn, hỗ trợ khi cần, tôi luôn ý thức được việc mình phải tuân thủ điều trị. Hiện tải lượng HIV của tôi không phát hiện và tôi biết hiện nay tải lượng HIV của tôi dưới ngưỡg phát hiện là K=K (Không phát hiện = không lây truyền). Hiện tại tôi có sức khỏe tốt, có công việc ổn định. Tôi nhận thấy cuộc sống rất tốt

Anh còn chia sẻ thêm: “ai mà lỡ bị nhiễm cũng đừng nên quá bi quan, HIV bây giờ chỉ là bệnh mãn tính, uống ARV vào sẽ kéo dài thời gian sống, chờ đợi một ngày HIV sẽ bị xoá sổ hoàn toàn nhờ khoa học. Hãy chờ đợi một tương lai tươi sáng”

Trước khi kết thúc, anh truyền tải thông điệp đến cộng đồng: “HIV không đáng sợ, HIV có thể phòng tránh được nếu chúng ta sống lành mạnh”.

 

Mục tiêu 95-95-95 của Việt Nam: 95% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% số người biết tình trạng HIV của mình đang được điều trị và 95% trong số những người đang được điều trị có tải lượng HIV được ức chế và giảm khả năng lây truyền vi-rút HIV cho người khác

 


Quang cảnh sự kiện Mít tinh

 

 

Tin: Phú Khánh, HCDC


Câu hỏi liên quan