Quản Cáo  Topbanner

Vấn Đề Sức Khỏe

Cập nhật: 15:14 - 17/10/2024 | Lần xem: 249

Giảm thiểu rác thải nhựa nằm trong tay tất cả chúng ta

Mỗi phút, 1 triệu chai nhựa được mua, và mỗi năm có 5 nghìn tỷ túi nhựa được sử dụng trên toàn cầu. Khoảng 50% lượng nhựa sản xuất ra chỉ sử dụng một lần rồi vứt bỏ, dẫn đến ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng gia tăng.

Nhựa có nhiều công dụng giá trị và là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày. Một điều không thể không nói tới là chúng ta dường như đang nghiện các sản phẩm nhựa dùng một lần, thứ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, kinh tế và sức khỏe.

Kể từ những năm 1970, tốc độ sản xuất nhựa đã tăng nhanh hơn bất kỳ vật liệu nào khác. Nếu xu hướng tăng trưởng lịch sử tiếp tục, sản lượng nhựa nguyên sinh toàn cầu dự kiến sẽ đạt 1.100 triệu tấn vào năm 2050. Chúng ta cũng đã thấy sự thay đổi đáng lo ngại đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần, những mặt hàng sẽ bị vứt bỏ sau một lần sử dụng ngắn.

Khoảng 36% tổng lượng nhựa sản xuất ra được sử dụng để đóng gói, bao gồm các sản phẩm nhựa dùng một lần để đựng thực phẩm và đồ uống. Trong đó khoảng 85% sẽ bị chôn lấp hoặc trở thành chất thải không được kiểm soát.

Khi nhựa trở thành rác thải, chúng có thể:

• Bị vứt vào thùng rác sinh hoạt, theo xe rác tới bãi chôn lấp hoặc lò đốt.

• Bị vứt một cách bừa bãi ở các nơi công cộng, bị gió cuốn bay; đến khi mưa xuống, rác thải trôi theo sông ra biển.

• Bị vỡ vụn, dưới tác động nắng và gió, thành những mảnh nhựa nhỏ hơn rồi nhỏ hơn, và cuối cùng trở thành vi nhựa trong môi trường tự nhiên.

• Được phân loại riêng để bán ve chai và được tái chế thành những sản phẩm mới.

Vậy số phận nhựa nằm trong tay tất cả chúng ta – những người khai thác, sản xuất, quản lý, tiêu thụ và thải bỏ nhựa ở cuối vòng đời. Vì vậy để kiểm soát tốt rác thải nhựa và ngăn ngừa ô nhiễm, nhà sản xuất, nhà quản lý và cả người tiêu dùng cần phối hợp với nhau để làm phần việc của mình trong việc sử dụng nhựa bền vững và đảm bảo rác thải nhựa được thu hồi, tái chế và tuần hoàn trở lại vào nền kinh tế.

Để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, nhà nước đóng vai trò điều phối, xây dựng các hạ tầng xử lý chất thải, nhà sản xuất xây dựng hệ thống thu gom, tái chế, xử lý rác, và cuối cùng người tiêu dùng tham gia bằng cách:

+ Thực hiện nguyên tắc 3T (tiết giảm – tái sử dụng – tái chế) nhằm giảm thiểu lượng rác thải tạo ra.

+ Thực hiện phân loại rác thải theo hướng dẫn.

+ Không xả rác bừa bãi, hướng tới “không rác thải nhựa trong tự nhiên”

+ Mua sắm và tiêu dùng có ý thức, có trách nhiệm.

+ Truyền thông, phổ cập kiến thức về môi trường để nhân rộng lối sống xanh và có trách nhiệm.

Rác thải nhựa đang là một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt hiện nay, và y tế là một lĩnh vực không ngoại lệ. Để tạo ra sự thay đổi tích cực, chúng ta cần những ý tưởng sáng tạo và cụ thể. Vì vậy, HCDC tổ chức cuộc thi Thiết kế bích chương với chủ đề "Giảm thiểu chất thải nhựa tại cơ sở y tế năm 2024."

Đây là cơ hội để các nhân viên y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện tài năng và sự sáng tạo của mình. Hãy cùng nhau nỗ lực xây dựng môi trường làm việc sạch đẹp, đồng thời lan tỏa thông điệp về việc giảm thiểu, tái sử dụng nhựa hoặc thay thế bằng vật liệu thân thiện với môi trường.

Để biết thêm thông tin chi tiết về cuộc thi, hãy truy cập: https://hcdc.vn/cuoc-thi-thiet-ke-bich-chuong-sang-tao-giam-thai-nhua-2024-eQGVpq.html

Tài liệu tham khảo:

WWF-VN 2022 Sổ tay hướng dẫn Giảm thiểu nhựa dành cho người tiêu dùng thuộc dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam

https://www.unep.org/interactives/beat-plastic-pollution/

Vũ Nguyễn Minh Tâm – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM