Quản Cáo  Topbanner

Vấn Đề Sức Khỏe

Cập nhật: 10:49 - 16/10/2024 | Lần xem: 551

HCDC tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về tác hại của rượu bia

Tháng 10 năm 2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đã khai mạc chương trình tập huấn chuyên đề về tác hại của rượu bia đối với sức khỏe. Buổi tập huấn đã thu hút sự tham gia của hơn 300 cán bộ y tế với mục tiêu nâng cao năng lực về hoạt động sàng lọc, phát hiện sớm người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu bia.


Ảnh: Ths. Bùi Hùng Mạnh chia sẻ kinh nghiệm cùng các nhân viên y tế tham dự buổi tập huấn

Theo Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra ít nhất 30 loại bệnh và chấn thương, đồng thời là yếu tố gián tiếp góp phần vào hơn 200 loại bệnh khác.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 548.000 ca tử vong liên quan đến ung thư, bệnh tim mạch, rối loạn tâm thần, bệnh tiêu hóa, nhiễm trùng và các bệnh lý khác, trong đó ước tính hơn 40.800 trường hợp tử vong có liên quan đến việc sử dụng rượu bia, chiếm khoảng 7,5%. Việt Nam hiện đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á và thứ ba châu Á về mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người.

Kết quả của Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 cho thấy tỷ lệ nam giới Việt Nam uống rượu bia rất cao. Theo thống kê, năm 2021 có tới 64% nam giới và 10% nữ giới hiện có uống rượu bia 30 ngày qua. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới. Cứ 3 nam giới thì có 1 người uống ở mức nguy hại.

Điều đáng báo động hơn là độ tuổi uống rượu, bia đang ngày càng trẻ hóa, chủ yếu trong giới học sinh, sinh viên. Không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cá nhân mà còn tác động sâu rộng đến an ninh xã hội, góp phần gia tăng các vấn đề như bạo lực và tai nạn giao thông. Do đó, việc sàng lọc và hỗ trợ can thiệp nhằm giảm thiểu tác hại của rượu bia đối với cộng đồng là hết sức cần thiết.

Trong khuôn khổ chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của rượu bia, HCDC đã tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về tác hại của rượu bia và phương pháp can thiệp. Các lớp tập huấn này trang bị cho cán bộ y tế kiến thức về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia, các chất có cồn đối với sức khỏe; phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; hướng dẫn sử dụng bộ công cụ sàng lọc giúp đánh giá, phát hiện sớm người có nguy cơ sức khỏe hoặc rối loạn, bệnh tật do uống rượu, bia gây ra từ đó có các biện pháp tư vấn, hướng dẫn và can thiệp ban đầu để dự phòng, giảm thiểu các nguy cơ và tác hại đối với sức khỏe do uống rượu, bia.


Ảnh: Bs.CKI Phan Thị Mỹ Nhung phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Ngoài ra, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, HCDC còn hướng dẫn cách tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp với từng địa phương, từ đó lan tỏa thông điệp về việc hạn chế sử dụng rượu bia, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Chương trình tập huấn là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm giảm thiểu các vấn đề xã hội và sức khỏe cộng đồng do rượu bia gây ra. Kết quả từ các nỗ lực này sẽ góp phần vào việc xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, an toàn và phát triển bền vững trong tương lai.

Nguyễn Bích Lộc – Khoa Dinh dưỡng – Bệnh không lây

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Y tế (2021). Điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiếm (Steps), Việt Nam

2. Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế (https://vncdc.gov.vn/ruou-bia-la-nguyen-nhan-truc-tiep-cua-it-nhat-30-benh-chan-thuong-va-nguyen-nhan-gian-tiep-cua-it-nhat-200-loai-benh-nd16992.html)