Dịch COVID-19: Việt Nam thay đổi cách xử trí với những ca tái dương tính SARS-CoV-2
Những trường hợp xét nghiệm tái dương tính với SARS-CoV-2 trong thời gian theo dõi sau xuất viện, bệnh nhân cần được tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày và làm thêm một lần xét nghiệm vào ngày thứ 7 thay vì chuyển đến bệnh viện cách ly.
Đây là một trong những nội dung được Bộ Y tế đưa ra trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút SARS-CoV-2 mới nhất - lần 5 (ban hành ngày 26/4). Hướng dẫn này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế cho Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút SARS-CoV-2 ban hành kèm theo Quyết định số 3351/QĐ-BYT ngày 29/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đến nay Việt Nam ghi nhận 2.865 bệnh nhân COVID-19. Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm, với Việt Nam vì số bệnh nhân còn ít cũng như để đảm bảo cao hơn so với hướng dẫn chung của thế giới nên bệnh nhân khi được xuất viện vẫn theo dõi 14 ngày tại nhà. Trong 14 ngày đó, thực tế có một số ca dương tính trở lại. Những trường hợp này khi đó được xử lý như một ca dương tính mới và được chuyển ngay đến bệnh viện cách ly, theo dõi.
Tuy nhiên, TS Kính cho biết hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới cũng không chú trọng đến những trường hợp tái dương tính.
GS.TS Nguyễn Văn Kính- Chủ tịch Hội truyền nhiễm
Trường hợp dương tính lại ở các bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh xảy ra ở một số nước trên thế giới. Vấn đề này có thể liên quan đến những thành phần đáp ứng miễn dịch mà chúng ta cần nghiên cứu thêm; còn về phía y tế công cộng, chúng ta không quá e ngại với các trường hợp tái dương tính.
Nếu bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng thì họ chỉ cách ly 10 ngày sau đó cho bệnh nhân về nhà sống như bình thường. Nếu có triệu chứng lâm sàng bình thường, không có diễn tiến nặng thì sau 2 lần có kết quả xét nghiệm âm tính là bệnh nhân được xuất viện.
Theo GS. TS Nguyễn Văn Kính, báo cáo các nước cho thấy ở những bệnh nhân tái dương tính, khi làm nuôi cấy không thấy gì. Ngoài ra, theo dõi những người trong gia đình - tiếp xúc gần không ai bị lây nhiễm. Vì thế, với người tái dương tính có giả thiết đây chỉ là xác virus.
Những trường hợp này qua báo cáo nghiên cứu của thế giới cũng như theo dõi tại Việt Nam thì chúng tôi thấy không nguy hiểm cho cộng đồng, không lây. Có khi chỉ xét nghiệm một lần dương tính sau đó vào bệnh viện thì lại âm tính.
"Vì vậy, trong hướng dẫn lần 5 này, Bộ Y tế đã nêu rõ: Đối với những trường hợp xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp real-time RT-PCR tái dương tính trong thời gian theo dõi sau xuất viện, bệnh nhân cần được tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày và làm thêm một lần xét nghiệm vào ngày thứ 7"- GS. TS Kính thông tin
Về hiện tượng tái nhiễm, nhiễm một chủng khác, theo chuyên gia trên thế giới ghi nhận một số trường hợp tại Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản sau khi đã khỏi COVID-19. Họ đi du lịch đến vùng khác như châu Âu khi quay trở về thì lại có bệnh cảnh lâm sàng là COVID-19, khi xét nghiệm thì phát hiện chủng mới.
"Hiện nay con số này không nhiều. Nhưng chúng ta khẳng định có tái nhiễm với chủng mới"- TS Kính nói.
Điều trị đi trước một bước, phải dự trữ oxy
GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết thêm, trong phác đồ lần 5 lần, điều trị phải đi trước một bước, không đợi bệnh nhân nặng mới xử lý. Vì vậy việc theo dõi sát bệnh nhân được đặt lên hàng đầu.
Khi xét nghiệm cận lâm sàng có rối loạn đông máu, rối loạn điện giải trên nền bệnh nhân có sốt, cần cho bệnh nhân bù dịch sớm để cân bằng kiềm toan, tránh trường hợp bệnh nhân nặng phải lọc máu.
Trong quá trình điều trị, nhân viên y tế phải giúp bệnh nhân có tâm lý thoải mái, tích cực nâng cao thể trạng, đảm bảo dinh dưỡng.
Ngoài ra, các cơ sở điều trị cần có các trang thiết bị, dụng cụ cấp cứu tối thiểu như máy theo dõi độ bão hòa oxy, hệ thống/bình cung cấp oxy, thiết bị thở oxy (gọng mũi, mask thông thường, mask có túi dự trữ), bóng, mặt nạ, dụng cụ đặt ống nội khí quản phù hợp các lứa tuổi. Phải có đơn vị hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nặng.
Thái Bình