Quản Cáo  Topbanner

Tin tức mới nhất

Cập nhật: 20:37 - 08/04/2020 | Lần xem: 4570

Đánh giá rủi ro lây nhiễm Covid - 19 tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố

Sáng ngày 07/4/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh cùng với Trung tâm Y tế quận 7 đã có buổi làm việc với 02 công ty thuộc Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 về việc đánh giá rủi ro lây nhiễm vi rút Corona.

Ảnh: khu nhà ăn được bố trí vách ngăn tại công ty Furukawwa Automotive Parts, một biện pháp để hạn chế tiếp xúc khi ăn

Nhằm đánh giá rủi ro lây nhiễm vi-rút corona tại xí nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định số 1203/QĐ-BCĐ ngày 06/4/2020  về ban hành Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus Corona. Sáng ngày 07/8/2020, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật đã tiến hành đánh giá bộ tiêu chí này đối với 02 công ty thuộc Khu chế xuất Tân Thuận trên địa bàn quận 7. Nội dung đánh giá bao gồm 10 chỉ số trong Bộ đánh giá rủi ro lây nhiễm.

Qua khảo sát tại 02 công ty này, các biện pháp được áp dụng để phòng chống dịch bệnh Covid-19 như: Đo nhiệt độ công nhân trước khi vào nhà máy; thường xuyên rửa tay; bắt buộc đeo khẩu trang trước khi đi vào công ty; vệ sinh khử khuẩn 1 giờ/1 lần tại các bề mặt tiếp xúc. Giãn khoảng cách tiếp xúc bằng cách giảm số lượng công nhân làm việc trong cùng một thời điểm. Công ty Vexos đã chia 3 ca làm việc trong ngày. Bố trí lệch ca để số lượng nhân viên ăn tại nhà ăn giảm xuống cùng một thời điểm. Qua đánh giá theo bộ tiêu chí, hai công ty đều có tỷ lệ rủi ro lây nhiễm thấp dưới 30%. Công ty vẫn thực hiện sản xuất nhưng cần được kiểm tra định kỳ để khắc phục các hạn chế.

Theo một quản lý của công ty Furukawwa – nơi có khoảng hơn 800 công nhân đang làm việc, để công nhân tuân thủ các biện pháp phòng dịch một cách nghiêm túc công ty phải mất một thời gian truyền thông vận động thậm chí là răn đe xử lý kỷ luật khi vi phạm. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật đánh giá các công ty đã triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, công ty vẫn cần đặc biệt chú trọng, không lơ là và cần tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, làm tốt hơn nữa những gì hiện nay đang làm. Các đơn vị cần chú ý nhiều hơn vấn đề vệ sinh khử khuẩn sàn nhà, các bề mặt tiếp xúc mỗi lần giao ca.

Được biết, bộ tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm gồm 10 tiêu chí như sau: Chỉ số về số lượng công nhân làm việc tập trung; Mật độ người lao động làm việc; Tỷ lệ công nhân có rửa tay, có xịt nước sát khuẩn trước khi vào và ra khỏi phân xưởng; Tỷ lệ công nhân có đeo khẩu trang; Tỷ lệ công nhân được kiểm tra nhiệt độ trước khi vào phân xưởng; Số người cùng ăn một lúc ở nhà ăn; Số công nhân đi làm bằng xe đưa rước; Số khu vực (địa điểm đón, trả) công nhân ở trước khi đi làm; Tỷ lệ % công nhân được công ty phát khẩu trang; Công ty có làm ca đêm. Mỗi tiêu chí được chấm từ 1 – 10 điểm. Số điểm càng cao thì rủi ro lây nhiễm càng cao. Với chỉ số lây nhiễm từ 80 – 100% nếu không khắc phục được thì không được sản xuất.

Ảnh: Công nhân đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m khi làm việc tại công ty Vexos

Ảnh: Công nhân xếp hàng cách xa nhau tối thiểu 2m mỗi khi đứng chờ xe.

Ảnh: Máy rửa tay diệt khuẩn tự động được lắp tại công ty Furukawwa Automotive Parts, công nhân thực hiện rửa tay trước khi ăn

Ảnh: lời nhắc nhở công nhân chỉ tháo khẩu trang khi ngồi vào bàn ăn.

Hoài Thương – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh