Quản Cáo  Topbanner

Tin tức mới nhất

Cập nhật: 18:48 - 21/04/2020 | Lần xem: 2666

COVID-19 và an toàn thực phẩm- Phần 2: Nhân viên ngành công nghiệp thực phẩm

Nhận thức về các triệu chứng COVID-19

Các nhân viên thực phẩm bao gồm những người xử lý thực phẩm, người trực tiếp chạm vào thực phẩm mở như một phần công việc của họ, người có thể chạm vào bề mặt tiếp xúc với thực phẩm hoặc các bề mặt khác trong phòng nơi xử lý thực phẩm mở. Do đó, thuật ngữ này có thể áp dụng cho các nhà quản lý, người dọn dẹp, nhà thầu bảo trì, nhân viên giao hàng và thanh tra thực phẩm.

Tổ chức Y tế Thế giớ (WHO) khuyến cáo rằng những người cảm thấy không khỏe nên ở nhà. Nhân viên làm việc trong lĩnh vực thực phẩm cần phải nhận thức được các triệu chứng của COVID-19. Vấn đề quan trọng nhất là nhận ra các triệu chứng sớm để họ tìm kiếm sự chăm sóc và xét nghiệm y tế phù hợp. Từ đó giúp làm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho đồng nghiệp.

Dấu hiệu của các bệnh đường hô hấp trong đó có Covid – 19 (nguồn internet)

Ngăn chặn sự lây lan của COVID- 19 trong môi trường làm việc

Nhân viên không khỏe hoặc có triệu chứng COVID-19 phải được thông báo về cách liên hệ với các chuyên gia y tế. Điều này là bắt buộc bởi vì nếu một công nhân bị nhiễm bệnh xử lý thực phẩm, họ có thể đưa vi-rút vào thực phẩm họ đang làm việc hoặc trên các bề mặt trong ngành kinh doanh thực phẩm, bằng cách ho và hắt hơi, hoặc qua tiếp xúc tay.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, người nhiễm bệnh có thể không có triệu chứng hoặc có thể có các triệu chứng nhẹ dễ bị bỏ qua. Một số người nhiễm bệnh chưa biểu hiện triệu chứng đã được chứng minh là có khả năng truyền nhiễm và lây lan vi-rút. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết cho tất cả các nhân viên làm việc trong ngành thực phẩm, bất kể tình trạng sức khỏe phải thực hành vệ sinh cá nhân và sử dụng PPE một cách thích hợp. Các doanh nghiệp thực phẩm cần phải giới thiệu một mức độ cao về an ninh và quản lý nhân viên.

Thực hành tốt vệ sinh cá nhân

Thực hành vệ sinh cá nhân bao gồm: Rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, thường xuyên sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn, vệ sinh đường hô hấp, thường xuyên vệ sinh/khử trùng bề mặt làm việc và các điểm tiếp xúc như tay nắm cửa, tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai có triệu chứng bệnh về đường hô hấp như ho và hắt hơi.

Sử dụng găng tay dùng một lần – có thể mang lại cảm giác an toàn sai lầm

Găng tay có thể được sử dụng nhưng phải được thay đổi thường xuyên và phải rửa tay giữa các lần thay đổi găng tay và khi tháo găng tay. Găng tay phải được thay đổi sau khi thực hiện các hoạt động không liên quan đến thực phẩm.

Nên lưu ý rằng đeo găng tay có thể cho phép vi khuẩn tích tụ trên bề mặt của bàn tay, vì vậy rửa tay là cực kỳ quan trọng sau khi tháo găng tay để tránh làm nhiễm bẩn thực phẩm sau đó. Tránh chạm tay vào miệng và mắt khi đeo găng tay.

Không nên sử dụng găng tay dùng một lần trong để thay thế cho việc rửa tay. COVID-19 có thể làm nhiễm bẩn găng tay dùng một lần giống như cách chúng xâm nhập vào bàn tay. Đeo găng tay dùng một lần có thể mang lại cảm giác an toàn sai lầm và có thể dẫn đến việc nhân viên không rửa tay thường xuyên theo yêu cầu.

Rửa tay là một hàng rào bảo vệ chống nhiễm trùng tốt hơn so với đeo găng tay dùng một lần. Xà phòng thông thường và nước ấm là đủ để rửa tay. Chất khử trùng tay có thể được sử dụng như một biện pháp bổ sung.

Găng tay sử dụng 1 lần (nguồn internet)

Giữ khoảng cách trong môi trường làm việc

Giữ khoảng cách là rất quan trọng để giúp làm chậm sự lây lan của COVID-19. Tất cả các doanh nghiệp thực phẩm nên làm theo hướng dẫn giữ khoảng cách càng xa càng tốt. Hướng dẫn của WHO là duy trì ít nhất 1 mét (3 feet). Sắp xếp các vị trí ngồi làm việc ở hai bên của dây chuyền chế biến để công nhân thực phẩm không phải đối mặt với nhau. Cung cấp đồ bảo hộ cá nhân (PPE) như khẩu trang, lưới tóc, găng tay dùng một lần, quần áo sạch và giày làm việc giảm trơn trượt cho nhân viên ở những khu vực như sản xuất thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nấu chín. Tăng khoảng cách giữa các vị trí làm việc bằng cách giảm trong tốc độ của dây chuyền sản xuất. Giới hạn số lượng nhân viên trong khu vực chuẩn bị thực phẩm tại cùng một thời điểm...

Vận chuyển và giao nhận nguyên liệu, sản phẩm

Tài xế, nhân viên giao hàng đến cơ sở thực phẩm không nên rời khỏi xe trong khi giao hàng. Người lái xe cần được cung cấp chất khử trùng tay chứa cồn, chất khử trùng bề mặt và khăn giấy. Lái xe nên sử dụng chất khử trùng tay trước khi chuyển tài liệu giao hàng cho nhân viên cơ sở thực phẩm. Các thùng chứa và bao bì dùng một lần nên được sử dụng. Trong trường hợp thùng chứa có thể tái sử dụng, nên thực hiện các quy trình vệ sinh và khử trùng phù hợp.

Các tài xế giao hàng đến cơ sở thực phẩm cần lưu ý về những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc truyền COVID-19. Vi-rút có thể được phát tán nếu người lái xe chạm vào bề mặt bị nhiễm hoặc bắt tay với người bị nhiễm bệnh. Các bề mặt có khả năng bị nhiễm vi rút bao gồm các bề mặt chạm vào thường xuyên như tay lái, tay nắm cửa, thiết bị di động... Đây là lý do tại sao vệ sinh tay, kết hợp với giữ khoảng cách, vệ sinh bề mặt tiếp xúc là rất quan trọng.

Bề mặt chạm tay vào thường xuyên (nguồn internet)

ThS.BS. Nguyễn Tiến Hưng – BM. Y Học Gia Đình Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch (lược dịch)

Nguồn: Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO)

https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/331705/WHO-2019-nCoV-Food_Safety-2020.1-eng.pdf