Quản Cáo  Topbanner

Tin tức mới nhất

Cập nhật: 12:23 - 29/07/2020 | Lần xem: 7379

Covid – 19: Đường lây truyền sẽ quyết định biện pháp phòng ngừa lây nhiễm

Đó là chủ đề được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa nhắc đến qua chuyên đề “Transmission of SARS-CoV-2: implications for infection prevention precautions”. Qua chuyên đề này, WHO đã chính thức khuyến cáo mang khẩu trang và giữ cho môi trường phòng họp được thông khí tốt, đây là những điểm mới về các biện pháp phòng, chống COVID đối với nhiều nước trên thế giới.

Các khuyến cáo trên là kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học về COVID-19 tính cho đến hiện nay. Bằng chứng hiện tại cho thấy rằng việc lây truyền SARS-CoV-2 xảy ra chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gián tiếp hoặc do tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh thông qua dịch tiết nước bọt và dịch tiết đường hô hấp, hoặc qua các giọt bắn đường hô hấp bị tống ra ngoài khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc hát hò.

Sự lây truyền vi-rút qua đường không khí có thể xảy ra tại các cơ sở y tế khi thực hiện một số kỹ thuật chăm sóc có tạo ra các hạt khí dung (aerosol, là các giọt nước có kích thước siêu nhỏ dưới 5 µm). Đã có một số báo cáo ghi nhận ổ dịch xuất hiện có liên quan đến không gian đông đúc người trong nhà, gợi ý khả năng lây lan qua các hạt khí dung kết hợp với giọt bắn dịch tiết đường hô hấp. Các hạt khí dung và giọt bắn dịch tiết đường hô hấp được tạo ra trong khi người bệnh luyện tập hát hợp xướng, trong các bữa tiệc tại nhà hàng hoặc trong các phòng tập thể dục (không phải do các kỹ thuật chăm sóc tạo ra khí dung).

Các giọt bắn dịch tiết đường hô hấp từ những người bị nhiễm bệnh cũng có thể rơi và bám vào vào các bề mặt, làm bề mặt bị nhiễm mầm bệnh, còn gọi là tạo ra các fomite. Bề mặt nhiễm mầm bệnh đã được ghi nhận trong nhiều báo cáo, một người khi chạm vào các bề mặt nhiễm mầm bệnh này sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng trước khi làm sạch tay cũng có thể bị nhiễm bệnh.

Dựa vào những bằng chứng khoa học hiện nay, việc lan truyền COVID-19 chủ yếu xảy ra khi người bị nhiễm có triệu chứng nhưng cũng có thể xảy ra trước khi các triệu chứng xuất hiện, nhất là khi ở gần người mang mầm bệnh trong một thời gian dài. Mặc dù đã ghi nhận được hiện tượng một người nhiễm bệnh không có triệu chứng cũng có thể truyền vi-rút cho người khác, nhưng vẫn chưa rõ điều này xảy ra ở mức độ nào và cần nhiều nghiên cứu hơn về vấn đề này.

Để ngăn ngừa sự lây lan SARS-CoV-2, căn cứ vào các chứng cứ khoa học, TCYTTG đã cập nhật khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa COVID-19 như sau:

1) Phát hiện các trường hợp nghi ngờ càng sớm càng tốt, xét nghiệm chẩn đoán và cách ly tất cả các trường hợp (người nhiễm bệnh) trong các cơ sở cách ly thích hợp;

2) Truy tìm và cách ly tất cả những người có tiếp xúc gần với những người bị nhiễm bệnh, thực hiện xét nghiệm chẩn đoán cho những người có triệu chứng để cách ly tuyệt đối nếu xác định họ đã bị nhiễm bệnh và điều trị;

3) Mọi người đều phải mang khẩu trang vải (không nhất thiết là khẩu trang y tế) trong các tình huống cụ thể như ở những nơi công cộng - nơi đã có hiện tượng lây truyền trong cộng đồng và những nơi mà các biện pháp phòng ngừa khác, như giữ khoảng cách vật lý không thể thực hiện được;

4) Nhân viên y tế phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây lan qua tiếp xúc và giọt bắn khi chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ và bệnh nhân xác định mắc COVID-19, và sử dụng các biện pháp phòng ngừa lây lan qua không khí khi thực hiện các kỹ thuật chăm sóc có tạo khí dung;

5) Nhân viên y tế và người chăm sóc phải mang khẩu trang y tế trong suốt thời gian làm việc tại các khoa lâm sàng và trong tất cả các hoạt động thường quy;

6) Mọi người hãy thực hành vệ sinh tay thường xuyên, luôn giữ khoảng cách vật lý khi có thể và thực hành giữ vệ sinh hô hấp; tránh đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc gần và tránh giữ không gian chật hẹp và kín, có thông gió kém; mang khẩu trang vải khi ngồi trong phòng họp có không gian kín, đông người; và đảm bảo các phòng họp phải được thông gió tốt và luôn được làm sạch và khử trùng môi trường thích hợp.

Theo WHO, cần có thêm các công trình nghiên cứu có chất lượng để làm rõ hơn tầm quan trọng tương đối của các đường lây truyền khác nhau; vai trò của đường lây lan mầm bệnh qua không khí trong trường hợp không có kỹ thuật chăm sóc tạo ra khí dung; liều lượng vi-rút cần thiết để lây truyền bệnh xảy ra; bối cảnh và các yếu tố rủi ro cho “siêu lây lan”; và mức độ lây truyền bệnh ở những bệnh nhân không có triệu chứng và ở giai đoạn tiền triệu chứng.

Nguồn: SỞ Y TẾ TP.HCM (chuyên đề được đăng tải trên www.who.int ngày 9/7/2020)

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (lược trích)