"Công bằng kỹ thuật số cho mọi lứa tuổi"
Năm 2021, kỷ niệm 31 năm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10/1991 - 1/10/2021), Liên Hợp Quốc chọn chủ đề "Công bằng kỹ thuật số cho mọi lứa tuổi" khẳng định nhu cầu của người cao tuổi cần được tiếp cận và tham gia một cách có ý nghĩa vào công nghệ số của nhân loại.
Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư với những thay đổi nhanh chóng và phát triển vượt bậc của kỹ thuật số đã mang tới những biến đổi trong mọi mặt của xã hội. Những tiến bộ trong công nghệ thông tin tạo ra những hy vọng lớn trong việc đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Theo báo cáo Sự thật và số liệu năm 2020 của Liên minh Viễn thông Quốc tế - ITU, ở các nước phát triển có tỷ lệ dân số sử dụng internet là 87% thì ở các nước kém phát triển nhất tỷ lệ này chỉ là 19% và người cao tuổi và phụ nữ là nhóm người phải chịu sự bất công về sử dụng kỹ thuật số lớn hơn so với các nhóm khác trong xã hội; họ thường thiếu tiếp cận công nghệ hoặc không được hưởng lợi ích đầy đủ từ các cơ hội do tiến bộ công nghệ mang lại.
Do vậy, Liên Hợp Quốc đã chọn chủ đề "Công bằng số cho mọi lứa tuổi" cho Ngày Quốc tế Người cao tuổi năm 2021 với yêu cầu: nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc hòa nhập công nghệ kỹ thuật số đối với người cao tuổi, tạo điều kiện để người cao tuổi được tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin trong đời sống; hướng tới việc giải quyết các thách thức này bằng cách đưa ra các chính sách cụ thể để khai thác những mặt tốt nhất của công nghệ đồng thời giảm thiểu các rủi ro từ công nghệ đối với mọi người, trong đó có người cao tuổi.
Tháng hành động vì người cao tuổi: "Chung tay chăm sóc người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn"
Từ khi Liên Hợp Quốc lấy ngày 01/10 là ngày Quốc tế Người cao tuổi, Việt Nam là một trong số các nước đã hưởng ứng ngay từ những ngày đầu. Hàng năm, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm hưởng ứng Ngày Quốc tế Người cao tuổi bằng những việc làm thiết thực. Ngày 24/9/1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 523/QĐ-TTg thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam; Chỉ thị số 59/CT-TW ngày 27/9/1995 của Ban Bí thư Trung ương (khóa VII) về chăm sóc người cao tuổi; ngày 23/11/2009 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XII), ban hành Luật Người cao tuổi); ngày 25/4/2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg lấy tháng 10 hàng năm là "Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam"; Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia vì người cao tuổi Việt Nam…
Cùng với đó, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng các chủ trương, chính sách nhằm chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của người cao tuổi ở nước ta ngày càng được nâng lên (năm 2020, tuổi thọ trung bình của dân số cả nước là 73,7 tuổi), là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội của cả nước, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là người cao tuổi. Đồng thời, hiện nay người cao tuổi sống chủ yếu ở nông thôn, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo có người cao tuổi còn cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước; người cao tuổi đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mạn tính, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn… Vì vậy, Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam và Trung ương hội Người cao tuổi Việt Nam đã phát động hưởng ứng Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm nay với chủ đề "Chung tay chăm sóc người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn".
Ngọc Hà – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (tổng hợp và lược dịch)