[Câu chuyện chúng mình kể lại từ những cuộc gọi truy vết F0]
Gần 10 ngày với hơn 400 sinh viên thuộc 22 đội truy vết F0 ở 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức đến từ Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiệm vụ, trong đó không ít các bạn lần đầu thực hiện công tác này - TRUY VẾT F0.
Chúng mình làm theo một quy trình cụ thể, nhận thông tin F0 và gọi điện truy vết; gọi xác nhận thông tin với F1; làm biểu mẫu điều tra dịch tễ, làm báo cáo hoàn chỉnh và nhập CDS. Với mỗi F0, chúng mình có thể mất hơn một giờ đồng hồ để hoàn thành. Chúng mình làm việc dựa trên nguyên tắc tôn trọng, bảo mật thông tin, lắng nghe, thấu hiểu và giải đáp thắc mắc của F0.
Sau khoảng thời gian thực hiện nhiệm vụ, chúng mình ghi nhận vài câu chuyện, lời nói, những bài học ấn tượng cũng như những khó khăn đã gặp phải. Đôi khi cũng không có đủ thời gian để lắng nghe hết những chia sẻ, những câu chuyện của F0 vì còn nhiều cuộc gọi nữa đang chờ. Có những lúc chỉ nhận lại từ phía đầu dây bên kia sự im lặng, không hợp tác và dập máy, tuy nhiên chúng mình đã cố gắng tìm cách giải quyết để hoàn thành nhiệm vụ. Vì trong thời điểm này, chúng mình vẫn được ăn uống đầy đủ, được ngồi làm việc trong văn phòng và không phải mặc phương tiện phòng hộ nên chúng mình đã cảm thấy vô cùng biết ơn.
“Đi tình nguyện có cơ hội làm việc chung với những người bạn mà mình chưa bao giờ nói chuyện, cảm thấy rất vui khi được làm việc chung với nhau. Quá trình làm việc lúc nào cũng có tiếng cười nhưng cũng không thiếu sự chuyên nghiệp ở đó. Cảm ơn các bạn.” - Một bạn trong Đội truy vết F0 chi sẻ.
Dưới đây là lời chia sẻ của các bạn sinh viên tham gia Đội truy vết F0 về những câu chuyện, những cảm xúc mà các bạn đã trải qua khi thực hiện công việc này.
“… Em ơi, nhà anh có 13 người thì 9 người đi cách ly tập trung rồi. Nếu anh bị dính thì anh có thể đi cách ly chung chỗ với vợ và con gái không em? Bé còn nhỏ lắm, anh thương …”
“… Chị ơi, giờ mọi người trong nhà em đang rất hoang mang và buồn ạ! Em phải lạc quan, pha trò để tinh thần mọi người được tốt lên. Mà chị ơi, em chuẩn bị đi cách ly rồi, chị nói nhanh nhé …”
“Khi gọi điện cho ba bé thì ba bé bất lực, không biết như thế nào, không biết bé được đưa đi cách ly ở đâu và ai sẽ chăm sóc bé. Khi đó, ba bé có nài nỉ cho bé được đi cách ly với mẹ, và đau lòng khi con gái mới 5 tuổi bị dương tính”
“Chú trả lời nhẹ nhàng, chi tiết, chị gọi mấy lần để xác minh lại nhưng chú không khó chịu. Ngày hôm sau chú gọi lại hỏi thăm chị, chị nghe giọng chú buồn lắm, sau đó chú cảm ơn chị “Cảm ơn con đã nhiệt tình trả lời chú mặc dù con có nhiều việc”. Những lời đó làm chị xúc động.”
“Mình nói chuyện với cô suốt hơn 15 phút - một người khiếm thị. Mình thấy thương và biết ơn vì cô đã dành thời gian nói chuyện và lắng nghe mình, chịu khó làm những việc mình yêu cầu. Nhưng sau đó mình lại thấy áy náy. Trong lúc trò chuyện mình đã quên mất cô là người khiếm thị, sự thiếu tinh tế của mình khiến cô thỉnh thoảng bối rối, nhưng cô không hề khó chịu với mình và phản hồi với giọng nói nhẹ nhàng. Tình huống này xảy ra khiến mình nhìn lại bản thân, mình thiếu đi sự quan sát và mình cũng nhận ra cuộc sống của mình tràn ngập sự tử tế như cách cô đối xử với mình.”
“Ngồi bên cạnh, chúng mình hay hỏi han nhau sau khi gọi truy vết F0, bạn kể hôm nay cô ấy có gọi cho một ca F0 là một em bé 13 tuổi và F1 là ông bà của bé đó. Bé đã được đưa đi cách ly, chỉ còn ông bà ở nhà. Khi nhận được câu nói của bà phía bên kia cuộc gọi “Con cứu ông bà với, bây giờ ông bà chỉ có một mình, không có ai ở nhà cả, ông lú lẫn xả nước phòng tắm liên tục, không tự chủ trong đi vệ sinh, còn bà thì già yếu không thể giúp ông, con ơi! cứu ông bà với” thì cô ấy cảm thấy nghẹn lại trong lòng, giọng ngập ngừng, dừng lại một lúc và cảm thấy vô cùng bối rối. Cô ấy đã gửi thông tin cho phường để nhờ người xuống giúp đỡ ông bà.”
Bảo Vy - Khoa Y tế Công cộng, Đại học Y dược TP.HCM