Quản Cáo  Topbanner

Vấn Đề Sức Khỏe

Cập nhật: 18:27 - 27/03/2024 | Lần xem: 3542

Cảnh báo diễn biến phức tạp các loại dịch bệnh lây từ động vật sang người

Thời tiết diễn biến thất thường, đường biên giới dài, giao lưu thương mại, thói quen giết mổ nhỏ lẻ là những yếu tố nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Năm 2024 ghi nhận số ca tử vong do bệnh dại tăng cũng như đã có 01 ca tử vong do cúm gia cầm. Đây là dấu hiệu cảnh báo diễn biến phức tạp của dịch bệnh lây từ động vật sang người.

Ảnh minh họa: Các bệnh lây từ động vật sang người (nguồn: internet)

Thông tin trên được trình bày tại "Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024"  do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tổ chức vào sáng ngày 27/3 tại Hà Nội.

Thông tin tại Hội nghị cho biết, 75% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật. Việt Nam là 1 trong những điểm nóng về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như: cúm A(H5N1), SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng. Những bệnh lây truyền từ động vật qua người có tác động lớn không chỉ đến sức khỏe mà còn cả về kinh tế.

Trong những năm qua, bệnh cúm gia cầm và bệnh dại thường xuyên xảy ra tại Việt Nam, trong đó bệnh dại một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất.

Sự gia tăng bệnh dại ở động vật cũng như ở người

Năm 2023 ghi nhận gần 675.000 người tiêm vắc xin phòng bệnh dại, tăng 45% so với năm 2022. Số ca tử vong do bệnh dại năm 2023 là 82 trường hợp trong đó 1/3 là trẻ em dưới 15 tuổi. Từ đầu năm 2024 đã ghi nhận 143.000 người đi tiêm phòng dại, tương đương cùng kỳ năm 2023. Số ca tử vong do bệnh dại năm nay đã là 27 trường hợp tăng  gần gấp ba lần so với cùng kỳ 2023.

Theo Cục Y tế dự phòng, thời gian cao điểm ghi nhận các ca bệnh dại thường là mùa hè, tập trung vào các tháng 8-9 trong năm. Tuy nhiên, năm nay sự gia tăng đột biến vào 2 tháng đầu năm. Có thể lý giải sự gia tăng các ca bệnh dại trên người có liên quan trực tiếp đến sự gia tăng các ca bệnh dại trên động vật từ năm 2023 đến nay và đặc biệt từ đầu năm 2024 đến nay.

Theo thông tin từ Cục Thú y, năm 2023 ghi nhận 347 ca bệnh dại trên động vật tại 31 tỉnh, thành phố. Từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 56 ổ dịch tại 25 tỉnh, thành phố. Số chó, mèo mắc bệnh là 86 con. Số chó, mèo chết và tiêu hủy là 192 con.

Hiện tỷ lệ tiêm vaccine dại cho chó mèo chỉ đạt khoảng 30%. Những khu vực có người tử vong do bệnh dại cũng là những khu vực có tỷ lệ tiêm vắc xin cho chó mèo còn thấp.

Ngoài ra, bệnh dại gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe với tỷ lệ tử vong cao dù đã có vắc xin dự phòng. Năm 2023, khoảng 800 tỷ/năm đã tiêu tốn chỉ tính riêng cho vắc xin và huyết thanh kháng dại cho người. Chi phí này chưa bao gồm chi phí vắc xin cho chó mèo, gánh nặng chi phí vết thương và chí phí gián tiếp khác.

Lý do  không đi tiêm vắc xin phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định của các trường hợp tử vong:

44% chủ quan cho rằng chó nhà cắn, thời điểm cắn chó bình thướng

17% điều trị thuốc nam

11% không hiểu về bệnh dại

8% không có tiền để tiêm ngừa

6% trẻ bị cắn mà không nói cho gia đình

14% chưa rõ lý do

Cần sự quyết liệt của địa phương

Một trong những giải pháp then chốt để ngăn ngừa bệnh dại lây sang người là tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo và quản lý chó mèo. Theo số liệu từ Cục Thú y, cả nước có hơn 4.936.000 hộ nuôi chó, mèo với tổng đàn chó mèo là 7,6 triệu con. Các hộ gia đình thường nuôi thả tự do, đặc biệt ở các khu vực nông thôn, miền núi. Điều này khiến cho việc quản lý đàn chó, mèo cũng như tiêm vắc xin gặp nhiều khó khăn.

Một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa bệnh dại lây sang người là tiêm vắc xin cho chó, mèo và quản lý chó mèo. Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, đã quy định tiêm vắc xin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025.

Thực tế, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Tỉ lệ tiêm vắc xin phòng dại còn thấp. Trong khi đó, việc ngăn chặn tai nạn từ chó mèo lại không dễ dàng bởi quy định phải đeo rọ mõm cho chúng khi ra đường hoặc nơi công cộng vẫn được thực hiện nghiêm.

Ảnh minh họa Chó thả rông, không đeo rọ mõm (nguồn internet)

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, nguồn gây bệnh bắt nguồn từ động vật, để phòng, chống và kiểm soát các bệnh này không thể chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành y tế hoặc ngành thú y mà cần một sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên và đặc biệt là sự tham gia của các cấp chính quyền

Trong những năm qua, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và ngành nông nghiệp cùng sự tham gia của các cấp chính quyền, các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên từ năm 2022 đến nay, một số dịch bệnh đã có sự gia tăng trở lại như cúm gia cầm đã ghi nhận ca mắc trên người sau hơn 8 năm. Dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương, vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm sang người. 

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Để phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật qua người, Trung ương đã triển khai các biện pháp và quan trọng nhất chính là sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương trong tổ chức các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

HY – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC)