Bạch hầu: Phòng bệnh bằng tiêm vắc xin đầy đủ và tiêm nhắc lại
Tình hình bệnh bạch hầu
Theo báo cáo của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, năm 2019, toàn quốc có tất cả 53 ca mắc bạch hầu, trong đó có 5 ca tử vong. Các trường hợp bệnh tập trung chủ yếu ở các khu vực miền núi thuộc miền Trung và Tây Nguyên, những nơi mà việc tiêm chủng đầy đủ chưa được bao phủ. Trong tháng 6/2020 này cũng vừa ghi nhận các ca bệnh bạch hầu ở cả trẻ em, trẻ lớn và người lớn tại Đắc Nông và TP.HCM.
Tất cả người chưa được tiêm chủng ngừa bạch hầu đầy đủ đều có thể mắc bệnh
Bệnh bạch hầu lây trực tiếp từ người này sang người khác qua giọt bắn từ các dịch tiết đường hô hấp của bệnh nhân hoặc của người lành mang trùng. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh
Tất cả những người chưa từng được tiêm chủng đầy đủ vắc xin bạch hầu đều có thể bị bệnh. Tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả vì có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong.
Vắc xin ngừa bạch hầu có trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ
Vắc xin phòng bệnh bạch hầu đã được đưa vào Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam từ hơn 30 năm nay. Mọi trẻ em phải được tiêm phòng bệnh bạch hầu trong thành phần vắc xin phối hợp (DPT-VGB-HiB hoặc DaPT-VGB-HiB-IPV) gồm 3 mũi cơ bản cách nhau ít nhất 1 tháng bắt đầu từ lúc trẻ được 2 tháng tuổi và tiêm nhắc mũi thứ 4 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Phụ huynh có thể chọn lựa vắc xin miễn phí tại các cơ sở Tiêm chủng mở rộng hoặc vắc xin có trả phí tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cho liệu trình tiêm chủng bắt buộc này.
Do đại dịch Covid - 19, nên có thời gian hoạt động tiêm chủng phải tạm ngưng. Đồng thời tâm lý lo lắng bị nhiễm bệnh nên một số gia đình chưa đưa trẻ em đi tiêm chủng đúng lịch dẫn đến tiến độ bao phủ vắc xin cho trẻ em bị chậm lại. Đến nay Covid -19 tại Việt Nam đã được kiểm soát, hoạt động tiêm chủng đã được tổ chức lại trong trạng thái bình thường mới, vừa đảm bảo an toàn tiêm chủng vừa phòng lây nhiễm Covid - 19. Phụ huynh và người nuôi dưỡng cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các liều vắc xin bắt buộc.
Tiêm chủng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (ảnh minh hoạ: nguồn Cục Y tế dự phòng)
Cần tiêm nhắc do hiệu quả bảo vệ của vắc xin kéo dài khoảng 10 năm
Hiệu quả bảo vệ của vắc xin cao, miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin thường kéo dài khoảng 10 năm nhưng sẽ giảm dần theo thời gian. Do vậy nếu không tiêm nhắc lại vẫn có thể mắc bệnh. Mọi người cần tiêm vắc xin nhắc để duy trì mức độ bảo vệ.
Trong tình hình xuất hiện ca bệnh bạch hầu rải rác ở một số tỉnh thành, trẻ lớn và người lớn có tiền sử tiêm chủng không đầy đủ, không rõ ràng cũng nên đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn sử dụng các vắc xin phòng bệnh bạch hầu phù hợp. Tiếp theo lịch tiêm bắt buộc, trẻ lớn hơn và người lớn được khuyến cáo tiêm nhắc bạch hầu bằng các vắc xin có thu phí khác (DaPT-IPV, DaPT, Tdap, Td).
Dấu hiệu nhận biết
Bạch hầu là một bệnh nhiễm, trùng nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu có tên khoa học là Corynebacterium diphtheria gây ra. Vi khuẩn này chủ yếu gây nhiễm trùng đường hô hấp, và tạo ra độc tố ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Thời gian ủ bệnh là 2 - 5 ngày sau khi tiếp xúc nguồn lây.
Bạch hầu họng khởi phát với triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn tương tự một số bệnh viêm mũi họng khác. Sau 2-3 ngày giả mạc bạch hầu xuất hiện, lan nhanh gây bít đường thở. Giả mạc bạch hầu có màu trắng hay xanh đen, bám chặt, dai khó tan, lấy giả mạc dễ chảy máu. Nó khác với giả mạc viêm họng viêm amygdal khác thường dễ lấy. Ngoài ra bạch hầu có thể gây nhiễm trùng da (mụn nước có mủ ở chân, bàn chân và bàn tay; vết loét lớn bao quanh khu vực da bị đỏ, đau)…
Bệnh nguy hiểm vì vi khuẩn sinh ra độc tố
Bệnh bạch hầu nguy hiểm vì độc tố bạch hầu có thề gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong trong vòng vài ngày. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% – 10%, ở những người dưới 5 tuổi và trên 40 tuổi tỷ lệ tử vong cao hơn, lên đến 20%. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc bạch hầu khi phân lập vi khuẩn bạch hầu dương tính từ mẫu bệnh phẩm như chất dịch nhầy ở thành họng hoặc giả mạc tại chỗ viêm
Điều trị kháng độc tố càng sớm càng tốt
Vì bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải đến này bệnh viện để được điều trị kịp thời. Một điều trị quan trọng trong việc điều trị bạch hầu là sử dụng kháng độc tố (SAD) càng sớm càng tốt sau khi phát bệnh vì thuốc sẽ không còn tác dụng khi độc tố đã xâm nhập vào tế bào. Sử dụng kháng sinh cũng rất cần thiết vì bệnh thường không lây sau 48 giờ dùng kháng sinh. Ngoài ra, bệnh nhân bạch hầu cần phải được theo dõi sát sao để phát hiện các biến chứng cũng như chống bội nhiễm.
Dùng kháng sinh dự phòng để ngăn chặn bệnh lây lan.
Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân như sống cùng gia đình, nhân viên y tế, dùng chung đồ dùng cá nhân, dụng cụ ăn uống, người chăm sóc... dùng kháng sinh dự phòng: Benzathine Penicillin hoặc Erythromycin 7 – 10 ngày để ngăn chặn sự lây lan. Song song đó là các biện pháp dự phòng không dùng thuốc như vệ sinh cá nhân, vệ sinh khử khuẩn đồ dùng của bệnh nhân, tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho những người chưa tiêm chủng đầy đủ.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã triển khai hoạt động tiêm chủng. Hãy liên hệ để đặt lịch tiêm và được tư vấn cụ thể.
Ths Bs Lê Hồng Nga – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM