Quản Cáo  Topbanner

Phòng, chống tác hại thuốc lá

Cập nhật: 07:10 - 28/05/2020 | Lần xem: 2619

WHO: Những người hút thuốc lá có nhiều nguy cơ mắc COVID-19 nặng hơn so với những người không hút thuốc lá

Thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm.Trong đó có hơn 7 triệu người chết do hút thuốc lá chủ động và khoảng 1,2 triệu người không hút thuốc lá nhưng tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính của nhiều bệnh lý đường hô hấp.

Người hút thuốc lá đối mặt với nguy cơ nào trong đại dịch COVID-19?

COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu tấn công ở phổi. Hút thuốc lá làm suy yếu chức năng phổi khiến cơ thể khó chống lại vi-rút corona cũng như các bệnh lý khác. Thuốc lá cũng là một trong những yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh lý mạn tính như tim mạch, ung thư, hô hấp, đái tháo đường, khiến những người mắc các bệnh này có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn khi bị nhiễm COVID-19. Một đánh giá nghiên cứu của các chuyên gia Y tế công cộng đã được WHO công bố vào ngày 29/4/2020 cho thấy những người hút thuốc lá có nhiều nguy cơ mắc COVID-19 nặng hơn so với những người không hút thuốc lá.

Hiện nay, nhiều nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để tìm mối liên quan giữa việc sử dụng thuốc lá, sử dụng nicotine với COVID-19. Vì vậy, WHO kêu gọi các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các phương tiện truyền thông cẩn trọng trong việc đưa ra các tuyên bố chưa được chứng minh rằng thuốc lá hoặc nicotine có thể làm giảm nguy cơ nhiễm COVID-19. Hiện tại không đủ thông tin để xác nhận bất kỳ mối liên quan nào giữa thuốc lá hoặc nicotine trong phòng ngừa hoặc điều trị COVID-19.

Người hút thuốc nên bỏ thuốc lá ngay lúc này

Trong vòng 20 phút sau khi bỏ thuốc lá, nhịp tim và huyết áp giảm. Sau 12 giờ, nồng độ CO (carbon monoxide) trong máu giảm xuống mức bình thường. Trong vòng 2-12 tuần, tuần hoàn được cải thiện, chức năng phổi tăng. Sau 1-9 tháng, các triệu chứng như ho và khó thở giảm. Việc bỏ thuốc lá không chỉ giúp cải thiện chức năng phổi mà còn giúp chịu ít thương tổn do COVID-19 gây ra với hệ hô hấp.

WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của những nghiên cứu có hệ thống, chất lượng cao, được phê duyệt về mặt đạo đức sẽ góp phần nâng cao sức khỏe của cá nhân và cộng đồng. Việc tiến hành các can thiệp chưa được chứng minh có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.

Nguồn:
https://www.who.int/news-room/detail/11-05-2020-who-statement-tobacco-use-and-covid-19

Hoài Thương – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố [Lược dịch]