Quản Cáo  Topbanner

Sốt xuất huyết

Cập nhật: 14:16 - 24/06/2022 | Lần xem: 2062

Quận 8: Nguy cơ Sốt xuất huyết ở ngay trong mỗi nhà

Đó là kết luận của đoàn kiểm tra giám sát từ số liệu báo cáo các điểm nguy cơ của Trung tâm Y tế quận 8. Cụ thể, tổng số điểm nguy cơ được giám sát từ đầu năm đến nay là 1.447 điểm. Trong đó, có đến 1.014 điểm là loại hình “nhà dân có dự trữ nước sinh hoạt có khả năng phát sinh lăng quăng”.

Ngày 23/6/2022, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức đoàn giám sát về công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng tại quận 8. Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Y tế quận 8, tổng số ca mắc SXH tại quận từ đầu năm 2022 đến nay là 376 ca (tăng 40,3% so với cùng kỳ năm 2021). Trên địa bàn quận 8 cũng ghi nhận 5 ổ dịch TCM với tổng số ca mắc là 342 ca. Về công tác tiêm chủng phòng COVID-19, tỷ lệ đã tiêm mũi nhắc lại lần 2 là 22,97%. Bên cạnh đó, đối với chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ trẻ tiêm đủ 8 loại bệnh (Lao – Viêm gan B – Bại liệt- Bạch hầu – Ho gà- Uốn ván– Hib- Sởi) năm 2022 đạt.

Đoàn đã tiến hành kiểm tra, giám sát thực tế tại khu phố 4, 5 phường 7 quận 8 và phát hiện rất nhiều vật chứa nước có lăng quăng ở các hộ gia đình. Ngoài ra, đoàn còn tiến hành kiểm tra tại trường THCS Phú Lợi và ghi nhận các vật chứa nước có lăng quăng trong khuôn viên nhà trường.

BS. CK2. Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trưởng đoàn kiểm tra đã nhận định công tác phòng chống dịch bệnh là thuộc về hệ thống chính trị. Chính quyền địa phương cần quan tâm chỉ đạo xuyên suốt với phương châm “quyết liệt, thực chất, rốt ráo và thường xuyên”. Hoạt động phòng chống dịch nếu không thực chất sẽ phải trả giá rất đắt. Thực chất ở đậy là những hoạt động phải đi vào thực tế, có kiểm tra giám sát, không hình thức trên văn bản, giấy tờ. Địa phương đã xây dựng kế hoạch, văn bản chỉ đạo cơ sở triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh nhưng cũng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phân công rõ ràng nhân sự phụ trách và chịu trách nhiệm với từng hoạt động nhất là việc xử lý các điểm nguy cơ.

Với các điểm nguy cơ đã nhắc nhở mà vẫn còn tái phạm, chính quyền địa phương cần kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, thực hiện phát vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 117. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, BS. Hưng cũng đề nghị quận 8 phân tích đúng yếu tố nguy cơ của quận. Trong phòng bệnh SXH, điều quan trọng là quản lý yếu tố nguy cơ bằng hành động triệt nơi sinh sản của muỗi. Nguy cơ của quận 8 là ở nhà dân, nó khác với những địa phương khác nên biện pháp can thiệp cũng sẽ phải phù hợp.

Hiên nay quận đang tổ chức chiến dịch Tổng vệ sinh, tuy nhiên cần tập trung đúng vào việc truy tìm và triệt nơi sinh sản của muỗi vằn, không phải chỉ là dọn dẹp rác thải. Quận cũng cần thực hiện truyền thông hiệu quả để người dân hiểu và tự thực hiện việc tìm và triệt nơi sinh sản của muỗi. Thành phố sẽ sớm ban hành kế hoạch tổ chức chiến dịch tìm và triệt nơi sinh sản của muỗi và HCDC sẽ có những hướng dẫn cụ thể.

Về hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại lần 2, Đoàn đã thực hiện khảo sát ngẫu nhiên 20 người cư ngụ tại phường 7 quận 8. Kết quả có 6 người chưa quyết định có nên tiêm hay không và 2 người chưa được nghe thông tin về lịch tiêm nhắc lần 2. Do vậy, Đoàn đề nghị quận 8 cần tăng cường truyền thông về lịch tiêm và lợi ích của mũi tiêm nhắc lần 2. Chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động để những người dân còn do dự đồng ý tiêm nhắc lại.

Đối với tiêm chủng mở rộng, Đoàn nhận định tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ chung của quận 8 không quá thấp tuy nhiên có sự chênh lệch giữa các phường. Vì vậy, Ủy ban Nhân dân phường cùng với Trạm Y tế rà soát danh sách trẻ chưa tiêm đủ mũi trên địa bàn để mời ra tiêm chủng. Trạm Y tế lên kế hoạch chi tiết và danh sách tiêm bù, tiêm vét. Chính quyền địa phương sẽ mời người dân đưa trẻ ra tiêm. Chính quyền cần quyết liệt vì nếu không bao phủ đầy đủ các mũi vắc xin thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh đã có vắc xin là hiện hữu.

Ngọc Hà, Thủy Tiên – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM