Quản Cáo  Topbanner

Bệnh Sởi

Cập nhật: 10:45 - 31/08/2024 | Lần xem: 843

Hướng dẫn cách ly đối với bệnh sởi (Hỏi đáp về bệnh sởi – phần 3)

Người mắc bệnh sởi cần được cách ly. Nếu có ổ dịch thì người nghi ngờ mắc bệnh cũng cần được cách ly. Trong khi đó, người tiếp xúc gần không cần cách ly, chỉ cần tự theo dõi sức khỏe.

Khi mắc bệnh sởi hoặc nghi mắc sởi có cần cách ly không?

Sởi là bệnh truyền nhiễm được xếp vào nhóm B và là bệnh truyền nhiễm phải cách ly.

Người mắc bệnh sởi cách ly như thế nào?

Người mắc bệnh nhẹ cách ly tại nhà. Người bệnh sẽ nghỉ học, nghỉ làm và không tham gia các hoạt động tập thể, tập trung đông người. Người mắc bệnh nặng hoặc có bệnh lý nền phải đưa vào cách ly tại cơ sở y tế. Trong thời gian cách ly bệnh nhân phải đeo khẩu trang.

Lưu ý, nếu có ổ dịch tại trường học, cơ quan, xí nghiệp, cộng đồng thì ngoài người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh đều phải nghỉ học, nghỉ làm việc và cách ly tại nhà.

Thời gian cách ly là bao lâu?

Thời gian cách ly đủ 7 ngày kể từ ngày phát ban.

Người tiếp xúc gần có cần cách ly hay không?

Khi phát hiện 1 trường hợp mắc bệnh sởi, ngành y tế sẽ điều tra các trường hợp tiếp xúc gần, thường là người sống chung, làm chung, học chung. Các trường hợp tiếp xúc gần không cần cách ly mà sẽ tự theo dõi sức khỏe đến hết 21 ngày từ ngày tiếp xúc cuối cùng với người bệnh. Nếu có dấu hiệu nghi mắc bệnh cần báo ngay cho y tế địa phương.

Bệnh truyền nhiễm nhóm B là gì?

Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, các bệnh truyền nhiễm được phân làm 3 nhóm A,B,C. Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Nhóm B bao gồm các bệnh như: bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván… Và gần đây nhất là COVID-19.

Nguồn: Quyết định 4845/QĐ-BYT

HY – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC)