Quản Cáo  Topbanner

TP. HCM: Triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với F0 tại nhà


Nhằm tránh tình trạng quá tải người mắc COVID-19 (F0) tại các cơ sở khám chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị và tạo tâm lý thoải mái cho F0 mau hồi phục sức khỏe, Sở Y tế vừa ban hành “Hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc COVID-19 tại nhà”.

Theo đó, sẽ có 2 trường hợp F0 được chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà. Trường hợp 1 là những F0 không triệu chứng lâm sàng đang chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế đủ điều kiện xuất viện vào ngày thứ 07 được tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp tục. Trường hợp 2 là những F0 mới được phát hiện tại cộng đồng, không triệu chứng lâm sàng, không yếu tố nguy cơ (không có bệnh nền hoặc có bệnh nền đã điều trị ốn định, không béo phì) thì được cách ly tại nhà trong 14 ngày.

Trong lần triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc COVID-19 tại nhà, nhiệm vụ của các cơ sở y tế và chính quyền địa phương được phân công một các cụ thể, rõ ràng.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 mỗi quận, huyện lập nhóm bác sĩ tư vấn sức khỏe qua điện thoại cho F0, bao gồm các bác sĩ của trung tâm y tế, trạm y tế, bác sĩ của các cơ sở y tế tư nhân, bác sĩ đã nghỉ hưu cư trú trên địa bàn.

Trung tâm y tế tổ chức đường dây tiếp nhận cuộc gọi của F0 (khi cần) hoạt động 24/7 để hướng dẫn người bệnh cách chăm sóc tại nhà, khám tại nhà hoặc hướng dẫn người bệnh đến trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện hoặc các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân để được khám bệnh.

Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố chịu trách nhiệm tiếp nhận các cuộc gọi cấp cứu của F0 khi có triệu chứng nặng tại nhà. Trung tâm cấp cứu 115 sử dụng hệ thống xe cấp cứu, xe vận chuyển người bệnh, xe taxi (được phân bố theo 5 cụm: Bình Tân, Bình Chánh, Quận 10, Quận 12, Thành phố Thủ Đức) để chuyển người bệnh đến các bệnh viện gần nhất.

Trung tâm y tế chịu trách nhiệm tổ chức lấy mẫu tại nhà cho người mắc COVID-19 vào ngày thứ 14 để làm xét nghiệm test nhanh hoặc PCR để kết thúc thời gian cách ly tại nhà nếu kết quả âm tính.

Trạm y tế chịu trách nhiệm theo dõi kết quả khai báo y tế của người cách ly tại nhà (qua tài khoản quản trị ứng dụng “Khai báo Y tế” do Sở Y tế cấp cho mỗi trạm y tế) và kịp thời liên hệ người cách ly để tư vấn hoặc có hướng xử trí phù hợp khi phát hiện người cách ly có triệu chứng qua khai báo y tế; hàng ngày tổng hợp và báo cáo cho trung tâm y tế quận, huyện tình hình sức khỏe của người cách ly tại nhà trên địa bàn.

Tổ COVID-19 cộng đồng, Tổ công tác quản lý tại các khu phong tỏa chịu trách nhiệm truyền thông vận động F0 cùng gia đình thực hiện đúng bản cam kết đã ký và giám sát sự chấp hành của F0 đang cách ly tại nhà; Những điều người sống trong khu vực phong tỏa cần biết; Những quy định về thu gom và xử lý rác; Ghi nhận số điện thoại liên lạc của từng hộ dân có người cách ly tại nhà để thường xuyên liên hệ, hỗ trợ khi cần thiết; Giám sát sự tuân thủ của người cách ly theo quy định và báo cáo cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phường, xã.

 Thành lập Tổ phản ứng nhanh (bao gồm bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện quận, huyện, công an và các tình nguyện viên...), cung cấp số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh để người mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà dễ dàng liên hệ khi cần hỗ trợ trong những tình huống khẩn cấp. Tổ phản ứng nhanh sử dụng xe cứu thương của bệnh viện quận, huyện (khi cần thiết).

Trong trường hợp F0 không tuân thủ đúng cam kết, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ban hành quyết định chuyển F0 đến các cơ sở cách ly tập trung cho người mắc COVID-19 trên địa bàn thị trấn, phường, xã và quận, huyện để tiếp tục chăm sóc và theo dõi sức khỏe. Ttùy vào mức độ vi phạm mà Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương đưa ra các hình thức xử lý phù hợp theo quy định.

Ngoài ra trong văn bản cũng hướng dẫn những điều cần thực hiện đối với các trường hợp F0 và người chăm sóc, người ở cùng nhà với F0, đồng thời cũng nêu rõ các điều kiện về cơ sở cách ly dành cho F0 được cách ly tại nhà. Đặc biệt F0 hay người chăm sóc, người nhà cần ghi nhớ gọi ngay cho nhân viên y tế khi có một trong các dấu hiệu sốt trên 380C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi/vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở (khi không thể hít sâu và nín thở đủ 10 giây), khi nhịp thở > 20 lần/phút để được hướng dẫn xử trí phù hợp. Trong trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 95% (nếu có dụng cụ đo SpO2 tại nhà) thì gọi ngay tống đài “115” hoặc số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh quận, huyện để được cấp cứu kịp thời.

tai file tại đây

Minh Hà, Yến Thư - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC)

 


Câu hỏi liên quan