Điểm báo ngày 08/01/2021
THẾ GIỚI
1. Thế giới 1,9 triệu người chết vì Covid-19, WHO ra cảnh báo mới
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm hơn 750.000 ca dương tính và gần 13.750 trường hợp tử vong vì Covid-19.
Theo số liệu cập nhật của trang thống kê toàn cầu Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 8/1, đại dịch Covid-19 tiếp tục tấn công 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 88,5 triệu người và cướp đi sinh mạng của trên 1,9 triệu nạn nhân. Số hồi phục đạt 63,5 triệu người.
Mỹ vẫn là nước bị Covid-19 hoành hành dữ dội nhất, thêm khoảng 221.000 ca nhiễm mới vào danh sách tổng 22 triệu bệnh nhân và thêm hơn 3.300 người vào danh sách tử vong hơn 373.000 người.
Brazil và Anh đều có số ca tử vong trong ngày trên 1.000 người, lần lượt là 1.455 và 1.162 ca. Hai quốc gia này cũng ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm mới.
Không có bằng chứng biến thể kháng vắc-xin
Bà Maria Van Kerkhove khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi hoặc ở Anh có khả năng kháng vắc-xin hay khiến bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn.
Bà cho biết, đây là thông tin mới nhất WHO có được cho đến nay, trong khi các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục.
Nhật ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, ngày 7/1, ban bố tình trạng khẩn cấp do Covid-19 ở Tokyo cùng 3 tỉnh Chiba, Kanagawa và Saitama từ ngày 8/1 đến ngày 7/2.
Quyết định này được đưa ra sau khi số ca nhiễm mới ở Nhật Bản lần đầu vượt ngưỡng 6.000 ca/ngày, trong đó, số ca ở Tokyo và ba tỉnh kể trên chiếm quá nửa. Có tới 16 trong số 47 tỉnh thành ở Nhật Bản cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày.
Dị ứng nặng với vắc-xin Covid-19 tại Mỹ
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) đang theo dõi cẩn thận các phản ứng dị ứng với vắc-xin Covid-19 của Pfizer và Moderna, đồng thời yêu cầu những ai bị dị ứng nặng không tiêm mũi thứ hai.
Hiện các phản ứng dị ứng đang xảy ra với tỷ lệ 11,1 người/1 triệu người tiêm vắc-xin Covid-19. So với vắc-xin phòng cúm mùa, tỷ lệ dị ứng sau tiêm là 1,3 người/1 triệu người.
Đến nay đã có 28 cá nhân tiêm vắc-xin do Pfizer phát triển bị phản ứng nghiêm trọng. Ngoài ra, có một trường hợp bị sốc phản vệ (có thể gây sưng cổ họng và gây khó thở) sau khi tiêm vắc-xin của Moderna.
2. Những ai nên tiêm vắc-xin COVID-19 trước tiên?
Vì nguồn cung cấp vắc-xin COVID-19 của Hoa Kỳ theo dự kiến ban đầu sẽ bị hạn chế, CDC đang đưa ra các khuyến nghị cho chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương về những người nên được chủng ngừa trước. CDC khuyến nghị rằng nhân viên y tế và những người trong các cơ sở chăm sóc dài hạn nên được tiêm vắc xin COVID-19 trước tiên. Đây được gọi là Giai đoạn 1a. Các nhóm sẽ được tiêm chủng tiếp theo: Những nhân viên thiết yếu ở tuyến đầu (lính cứu hỏa, cảnh sát, những người làm trong lĩnh vực giáo dục, …) và những người từ 75 tuổi trở lên (giai đoạn 1b). Giai đoạn 1c gồm: Những người từ 65 – 74 tuổi, những người từ 16 - 64 tuổi có các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn và những người lao động thiết yếu khác (vận tải, hậu cần, dịch vụ ăn uống, …). Khi lượng vắc xin tăng lên, các khuyến nghị tiêm chủng sẽ được mở rộng để bao gồm nhiều nhóm hơn.
https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/recommendations.html
3. Tranh cãi 'thuốc trị chấy, ghẻ có chữa khỏi COVID-19'
Thuốc ivermectin trị chấy, ghẻ, có khả năng giảm nguy cơ tử vong do Covid-19 đến 80%, theo nghiên cứu của tiến sĩ Andrew Hill, Đại học Liverpool, Anh.
Tiến sĩ Hill, nhà virus học, tin tưởng loại thuốc có giá chưa tới 20 USD này có thể "thay đổi cục diện" cuộc chiến chống lại Covid-19.
Trang web của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ghi rõ ivermectin được phép sử dụng để trị chấy, ghẻ ở người nhưng không được phép dùng để điều trị Covid-19. Những nghiên cứu về tác động của ivermectin đối với người nhiễm nCoV chủ yếu đang ở giai đoạn đầu. Giới khoa học cần nhiều thử nghiệm hơn nữa mới có thể kết luận liệu một loại thuốc trị chấy, ghẻ có thể cứu thế giới khỏi đại dịch tồi tệ này hay không.
https://vnexpress.net/tranh-cai-thuoc-tri-chay-ghe-co-chua-khoi-covid-19-4217443.html
VIỆT NAM
1. Ca COVID-19 nặng ở Hà Nội tổn thương phổi trên 75%
Đây là ca Covid-19 nặng nhất miền Bắc thời điểm hiện tại. Các bác sĩ đang theo dõi sát sao diễn tiến của người bệnh, sẵn sàng can thiệp ECMO nếu tình hình xấu hơn.
Được biết, ngay trong tối 7/1, đoàn công tác của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế do Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa dẫn đầu đã tới làm việc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chỉ đạo bố trí nhân lực cần thiết để tập trung cứu chữa bệnh nhân nặng và chuẩn bị cho công tác chống dịch trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.
https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/ca-covid-19-nang-o-ha-noi-ton-thuong-phoi-tren-75-703771.html
2. Chiều cao người Việt vươn lên top 4 khu vực
Sau 10 năm, chiều cao người Việt đã tăng thêm 2 bậc, hiện xếp thứ 4 khu vực Đông Nam Á.
Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện đạt 168,1cm, tăng 3,7cm và nữ đạt 156,2cm, tăng 2,6cm so với 10 năm trước. Nếu so thời điểm cách đây 20 năm, chiều cao nam thanh niên đã tăng 4,4cm và nữ tăng thêm 3,6cm.
Với chiều cao hiện tại, Việt Nam đang đứng thứ 4 khu vực ASEAN, xếp sau Singapore (nam cao 171cm, nữ cao 160cm), Thái Lan (nam cao 170,3cm, nữ cao 159cm), Malaysia (nam cao 168,4cm, nữ cao 157,7cm).
Trong khu vực châu Á, Hàn Quốc hiện là quốc gia có chiều cao nổi bật nhất khi nam thanh niên đạt 173,9cm, nữ đạt 161,1cm, kế đó là Ấn Độ, nam cao 173cm, nữ cao 165cm, vị trí thứ ba là Nhật Bản, nam cao 172cm, nữ cao 158cm.
https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/chieu-cao-nguoi-viet-vuon-len-top-4-khu-vuc-703733.html
3. Cách tắm an toàn mùa lạnh
Vào mùa lạnh, nhiệt độ đêm và sáng sớm có xu hướng hạ thấp nhất, vì vậy không nên tắm vào hai thời điểm này.
Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị, khuyên không nên tắm ở khu vực quá lạnh, không kín gió, trống trải, sức đề kháng của đường hô hấp mùa lạnh giảm, khả năng mắc bệnh đường hô hấp tăng lên.
Tắm quá lạnh, cơ thể không kịp thích nghi với nhiệt độ thay đổi nhanh. Mạch máu không kịp co lại hay giãn nở trong quá trình điều nhiệt, gây tăng huyết áp kịch phát. Hậu quả, người tắm có nguy cơ đột quỵ não, suy tim hoặc viêm phổi, chuột rút. Nguy cơ này đặc biệt tăng cao rất nhiều lần ở người có bệnh nền cao huyết áp, suy tim, dị dạng mạch máu não.
Ban đêm là thời gian cơ thể cần nghỉ ngơi, nhiệt độ toàn thân ở mức thấp nhất, dễ mắc bệnh, không nên tắm. Cũng không tắm ngay sau khi làm việc nặng nhọc.
Không nên tắm quá lâu bằng nước nóng để tránh khô da, thoát nhiệt. Tắm xong, lau người thật khô, mặc đủ ấm, giữ ấm chân tay dù ở trong nhà. Không nên ra ngoài trời lạnh khi vừa tắm xong.
Người có bệnh nền mạn tính, người già, trẻ em cần cẩn trọng thời điểm tắm trong ngày. Tốt nhất nên tắm khi trời ấm, tránh thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột, từ nơi quá ấm ra nơi quá lạnh.
https://vnexpress.net/cach-tam-an-toan-mua-lanh-4217354.html
4. Điều gì xảy ra khi bạn ăn thịt gà mỗi ngày?
Thịt gà là một trong những nguồn protein phổ biến và được tiêu thụ rộng rãi nhất. Nó là thực phẩm chính của nhiều người! Nó là một nguồn protein chất lượng cao tương đối rẻ và cực kỳ linh hoạt.
Nếu bạn đang chế biến thịt gà của mình theo cách không bao gồm một lượng lớn chất béo, muối hoặc đường thêm vào, thì đây là 9 tác dụng đối với sức khỏe mà bạn có thể gặp khi bạn thường xuyên ăn thịt gà, theo Eat This, Not That!
- Xương chắc khỏe
- Cảm thấy hài lòng hơn vào giờ ăn
- Có thể cải thiện hoạt động trí não
- Có cảm giác khỏe mạnh hơn
- Cảm thấy bớt mệt mỏi
- Có thể cải thiện sức khỏe tim mạch
- Có thể cải thiện khả năng sinh sản
- Có thể giảm tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng
- Có thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng
https://thanhnien.vn/suc-khoe/dieu-gi-xay-ra-khi-ban-an-thit-ga-moi-ngay-1325018.html
5. Ngồi nhiều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim ở nữ
Chuyên trang Healthline vừa dẫn một kết quả nghiên cứu mới cho hay lối sống hiện đại bao gồm thói quen ngồi lâu trước máy tính và ít vận động đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ.
Cùng khuyến cáo như trên, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) cho hay những người thường phải ngồi lâu trước máy tính nên có thói quen đứng dậy và di chuyển khoảng 30 phút một lần, để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
https://thanhnien.vn/suc-khoe/ngoi-nhieu-lam-tang-nguy-co-mac-benh-tim-o-nu-1326378.html
Đình Lễ - Thủy Tiên, HCDC (tổng hợp)