Quản Cáo  Topbanner

Điểm tin

Cập nhật: 09:09 - 06/01/2021 | Lần xem: 3808

Điểm báo ngày 06/01/2021

I.  THẾ GIỚI

1. WHO ban hành xác nhận sử dụng khẩn cấp đầu tiên đối với vắc xin COVID-19 và nhấn mạnh nhu cầu tiếp cận công bằng trên toàn cầu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm nay đã liệt kê vắc xin mRNA Comirnaty COVID-19 để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, biến vắc xin Pfizer / BioNTech trở thành vắc xin đầu tiên được WHO xác nhận khẩn cấp kể từ khi dịch bùng phát bắt đầu cách đây một năm. Danh sách Sử dụng Khẩn cấp (EUL) của WHO mở ra cánh cửa cho các quốc gia xúc tiến các quy trình phê duyệt theo quy định của riêng họ để nhập khẩu và quản lý vắc xin. Nó cũng cho phép UNICEF và Tổ chức Y tế khác mua vắc xin này để phân phối cho các quốc gia có nhu cầu.

https://www.who.int/news/item/31-12-2020-who-issues-its-first-emergency-use-validation-for-a-covid-19-vaccine-and-emphasizes-need-for-equitable-global-access

2. Biến thể nCoV ở Nam Phi đáng sợ hơn biến thể từ Anh

Các nhà khoa học cho biết 501.V2, biến thể nCoV tại Nam Phi, đáng lo ngại hơn biến thể B.1.1.7 ở Anh do lây lan nhanh và có thể lẩn tránh vaccine.

Kể từ khi xuất hiện, biến thể 501.V2 nhanh chóng chiếm ưu thế tại Nam Phi. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy virus có khả năng nhân lên cao hơn các chủng trước đó. Báo cáo đầu tiên về biến thể Nam Phi được đăng tải trên trang nghiên cứu medrxiv của Đại học Yale (Mỹ) cho thấy nó lây lan nhanh chóng trong vài tuần.

Hiện các nhà khoa học chưa rõ liệu 501.V2 có khiến các triệu chứng của người bệnh nghiêm trọng hơn hay không. Ngày 21/12/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh "không có bằng chứng rõ ràng về điều này". Song WHO cũng lưu ý số ca mắc mới tăng nhanh có thể khiến bệnh viện quá tải, dẫn đến nhiều ca tử vong hơn.

https://vnexpress.net/bien-the-ncov-o-nam-phi-dang-so-hon-bien-the-tu-anh-4216639.html

II. VIỆT NAM

1. Sẽ xử lý cán bộ cho bệnh nhân rời khu cách ly sai quy định

Dù chưa có kết quả xét nghiệm COVID-19 lần 2 nhưng bệnh nhân đã được rời khỏi khu cách ly, trở về địa phương. Điều này là sai quy định cách ly đối với người nhập cảnh mà Bộ Y tế đưa ra. Ngày 5-1, CDC Hà Nội đã có báo cáo về trường hợp bệnh nhân dương tính với COVID-19 ngay khi rời khỏi khu cách ly.

Theo đó, bệnh nhân ĐTN (nam, 22 tuổi, du học sinh từ Mỹ trở về Việt Nam) nhập cảnh ngày 21-12-2020 tại sân bay quốc tế Nội Bài và được cách ly tại Trung đoàn Bộ binh 59, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Tạm đình chỉ công tác người ký giấy

Liên quan đến sự việc trên, chiều 5-1, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết lãnh đạo sở vừa ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ, người đã ký giấy cho bệnh nhân ĐTN về địa phương. Các cá nhân trực thuộc trung tâm thì sẽ giao cho huyện xem xét trách nhiệm. Phó giám đốc Sở Y tế cũng cho biết thêm, đơn vị sẽ xem xét trách nhiệm cá nhân thẩm định các kết quả xét nghiệm và ký giấy cho ca bệnh về địa phương.

Cả tám trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân trong khu cách ly đều đã có xét nghiệm lần 2 âm tính.

https://plo.vn/xa-hoi/se-xu-ly-can-bo-cho-benh-nhan-roi-khu-cach-ly-sai-quy-dinh-959907.html

2. 10 sự kiện nổi bật về phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 tại Việt Nam

Trong năm qua, các hoạt động phòng chống HIV/AIDS được đẩy mạnh. Sau đây là 10 sự kiện nổi bật về phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 tại Việt Nam.

1. Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi được Quốc hội Khoá XIV thông qua ngay trong 1 Kỳ họp với 100% đại biểu có mặt đồng ý. Đây cũng là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Y tế trong năm 2020.

2. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1246/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

3. Mở rộng xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV, phát hiện mới 12.000 người nhiễm HIV.

4. Điều trị Methadone cho hơn 52.000 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện. Đặc biệt, bắt đầu triển khai thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho bệnh nhân mang về sau 12 năm thực hiện uống thuốc hàng ngày tại cơ sở y tế.

5. Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) cho hơn 13.000 khách hàng, giảm 98% nguy cơ bị nhiễm HIV cho những người sử dụng dịch vụ này, đặc biệt hiệu quả để phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ...

6. Điều trị ARV thường xuyên cho hơn 150.000 bệnh nhân HIV/AIDS, trên 96% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế; 94% dưới ngưỡng phát hiện (tức là không còn khả năng lây nhiễm HIV cho người khác qua đường tình dục). Việt Nam, Anh, Đức và Thuỵ Sỹ là 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới.

7. Tổng kết 30 năm công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, kết hợp với chuỗi hoạt động nhân Tháng hành động quốc gia và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS.

8. Cơ chế tài chính bền vững, tỷ lệ tài chính trong nước cho PC HIV/AIDS chiếm 57% (trước đây chỉ khoảng 20%) nhờ được đầu tư từ ngân sách trung ương, địa phương và BHYT. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục quan tâm hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS cả về tài chính và chuyên môn, kỹ thuật, đặc biệt là các tổ chức PEPFAR, USAID, CDC Hoa Kỳ, Quỹ toàn cầu, WHO, UNAIDS... và rất nhiều đối tác khác.

9. Trong bối cảnh dịch COVID-19, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vẫn được triển khai rộng rãi và hiệu quả. Các bệnh nhân HIV/AIDS, bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện vẫn được điều trị liên tục, không bị "đứt thuốc", kể cả khi bệnh nhân bị cách ly hoặc cơ sở điều trị bị phong toả. Bên cạnh đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chủ động và tích cực huy động tài trợ để hỗ trợ thiết thực cho công tác phòng, chống COVID-19.

10. Năm 2020 với nhiều khó khăn, nhưng công tác phòng, chống HIV/AIDS đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ ban hành văn bản pháp quy, đạt và vượt các chỉ tiêu chuyên môn được giao...

Với những nỗ lực trong những năm qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng II.

https://suckhoedoisong.vn/10-su-kien-noi-bat-ve-phong-chong-hiv-aids-nam-2020-tai-viet-nam-n185057.html

3. Bé trai 3 tuổi đột quỵ vì nguyên nhân không ngờ

Bé trai 3 tuổi đang chơi với bạn thì đột ngột té xuống sàn, lên cơn co giật và bất tỉnh. Tối 5-1, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết cách đây một tháng vừa tiếp nhận cấp cứu cho bé trai TN (3 tuổi, ngụ Vĩnh Long) bị xuất huyết não. Sau thời gian điều trị tích cực, bé trai đã ổn định sức khỏe và chuẩn bị xuất viện.

Một tháng trước, bé N. đang chơi với bạn thì đột ngột té xuống sàn, lên cơn co giật và bất tỉnh. Khi cấp cứu tại BV Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ ghi nhận trên phim chụp CT scan sọ não, bé có dấu hiệu xuất huyết dưới nhện rất nhiều. Bé đã được cấp cứu hồi sức và làm các chẩn đoán chuyên sâu như chụp DSA mạch máu não để tìm nguyên nhân gây đột quỵ. Kết quả là bé có túi phình mạch máu não, túi phình này vỡ gây ra tình trạng xuất huyết não.

Theo các bác sĩ, túi phình mạch máu não là bệnh thường gặp và là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở người già, lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, các bệnh lý túi phình mạch máu não ngày càng xuất hiện ở tuổi trẻ hơn. Bé trai 3 tuổi mắc bệnh lý này cũng khá hiếm gặp.

 “Triệu chứng của bệnh đột quỵ ở trẻ cũng giống như người lớn, đó là trẻ méo miệng, yếu tay chân và không nói được, thậm chí nhanh chóng hôn mê, co giật khi xuất huyết não nhanh chóng. Do bệnh cảnh rất hiếm nên dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh lý khác, đặc biệt là viêm màng não. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhi có nguy cơ tàn tật rất cao, thậm chí đe dọa đến tính mạng” - BS Huỳnh Hữu Danh, Khoa Ngoại thần kinh BV Nhi đồng Thành phố chia sẻ.

https://plo.vn/suc-khoe/be-trai-3-tuoi-dot-quy-vi-nguyen-nhan-khong-ngo-959892.html

4. Kết quả khảo sát ý kiến không hài lòng của người dân khi đến khám bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố năm 2020

Đây là năm thứ ba liên tiếp Sở Y tế triển khai khảo sát ý kiến không hài lòng của người dân qua hệ thống ki-ốt đặt tại khoa Khám bệnh của các bệnh viện, kết quả khảo sát giúp các bệnh viện chủ động nắm bắt những khâu nào của quy trình khám bệnh cần được cải tiến, hướng đến mục tiêu làm tăng sự hài lòng của người bệnh.

Qua phần mềm tổng hợp và phân tích dữ liệu khảo sát không hài lòng tại các bệnh viện công lập cho thấy trong năm 2020 có 18.395 lượt ý kiến phản ánh không hài lòng được ghi nhận qua hệ thống ki-ốt, giảm 50.35% so với cùng kỳ năm 2019 (18.395 lượt) và giảm 62.84% so với cùng kỳ năm 2018 (49.498 lượt).

Hầu hết các nội dung khảo sát đều có số lượt ý kiến không hài lòng giảm rõ so với cùng kỳ. Tuy tổng số lượt ý kiến không hài lòng có giảm, nhưng những nội dung sau vẫn chiếm tỷ lệ nổi trội và cần được các bệnh viện xem là những vấn đề ưu tiên trong cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh tại khoa Khám bệnh của các bệnh viện: (1) Khâu làm thủ tục đăng ký khám, (2) Thái độ ứng xử, giao tiếp của nhân viên bệnh viện, (3) Cách hỏi bệnh và thăm khám của bác sĩ, (4) Thời gian chờ làm xét nghiệm, siêu âm, chụp phim, (5) Nhà vệ sinh phục vụ người bệnh của bệnh viện, (6) Thông tin, hướng dẫn cho người bệnh

Sở Y tế đề nghị các bệnh viện tiếp tục phát huy, duy trì hoạt động lấy ý kiến không hài lòng của người bệnh tại khoa Khám bệnh và khảo sát trải nghiệm người bệnh nội trú. Đây là những hoạt động thiết thực, là căn cứ thực tiễn giúp định hướng và chọn lựa ưu tiên nguồn lực triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng, tập trung vào các nội dung mà người bệnh chưa hài lòng khi đến khám bệnh và những trải nghiệm chưa tốt của người bệnh khi nằm điều trị nội trú tại bệnh viện.

Trong đợt kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2020 sắp tới, Sở Y tế sẽ kiểm tra thực tế về hoạt động khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh tại các khoa Khám bệnh và hoạt động khảo sát trải nghiệm của người bệnh nội trú tại các khoa nội trú của các bệnh viện.

http://www.medinet.hochiminhcity.gov.vn/quan-ly-chat-luong-kham-chua-benh/ket-qua-khao-sat-y-kien-khong-hai-long-cua-nguoi-dan-khi-den-kham-benh-tai-cac-c8-37782.aspx

6. Không khí Hà Nội ở mức gây hại sức khỏe

Bụi mịn không khí PM 2.5 tại thành phố đang cao gấp 7 lần quy chuẩn quốc gia, tác hại đến hệ hô hấp gây viêm phổi, viêm phế quản, suy hô hấp, nhất là người già và trẻ nhỏ.

Theo AirVisual, những ngày qua chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội ở mức xấu, là mức có hại cho sức khỏe của người dân và cần hạn chế các hoạt động ngoài trời. Chỉ số bụi mịn PM2.5 trong ngày dao động ở mức trên 175 µg/m³, cao hơn gấp 7 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gần 16 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới WHO (10 µg/m3). Trời nhiều sương mù.

Bác sĩ Lê Hoàn, Phó trưởng khoa Nội tiết - Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết khi vào cơ thể, bụi mịn sẽ xâm nhập vào đường thở, gây tổn thương niêm mạc khí quản, phế quản. Bụi mịn có thể đi sâu vào các phế nang, nơi tận cùng của cơ quan trao đổi khí, làm viêm, xơ hóa phế nang dẫn đến nhiều bệnh lý về hô hấp. Nếu tiếp xúc lâu dài, bệnh diễn biến phức tạp, gây các bệnh phổi mạn tính. Trường hợp tiếp xúc ngắn hạn, bụi mịn có thể là tác nhân khởi phát các đợt cấp của bệnh lý hô hấp mạn tính, đặc biệt với người có tiền sử mắc bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hoặc các bệnh lý viêm mũi xoang dị ứng... Theo bác sĩ, cơ quan hô hấp là bộ phận chịu nhiều ảnh hưởng nhất do tác động của bụi mịn. Ngoài ra, một số cơ quan khác như da, mắt... cũng cần đề phòng.

Ngoài nhóm nguy cơ cao, những người tập buổi sáng cần đặc biệt chú ý vì tiếp xúc trực tiếp với bụi mịn lại không thể đeo khẩu trang, nhiều khi không thể phân biệt là sương mù hay bụi mịn, dễ dẫn đến viêm nhiễm đường hô hấp. Để đảm bảo an toàn, nên tập trong nhà để đảm bảo đề kháng, tránh nguy cơ tiếp xúc với bụi mịn.

Để chủ động phòng bệnh hô hấp, bác sĩ khuyến cáo mọi người tuân thủ "Thông điệp 5K" của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch, ăn chín uống sôi, che miệng khi hắt hơi. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, tiêm vaccine phòng bệnh.

Hạn chế lưu thông vào những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm như khu công nghiệp, đường cao tốc. Lựa chọn sống nơi thoáng nhất có thể, nhiều cây xanh càng tốt để hạn chế ô nhiễm.

https://vnexpress.net/khong-khi-ha-noi-o-muc-gay-hai-suc-khoe-4216528.html

Đình Lễ - Thủy Tiên, HCDC (tổng hợp)