Quản Cáo  Topbanner

Điểm tin

Cập nhật: 10:25 - 05/01/2021 | Lần xem: 3363

Điểm báo ngày 05/01/2021

Thế Giới

1. Cập nhật diễn biến đại dịch Covid-19 trên thế giới

- Số ca nhiễm và tử vong vì virus corona trên thế giới vẫn tăng nhanh. Tính đến 5h ngày 5/1, tổng số ca nhiễm trên toàn cầu là 85.963.364. Theo Worldometers, trong 24h qua, có thêm 7.591 trường hợp tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu, nâng tổng số người thiệt mạng vì virus lên 1.858.383 ca. Tuy nhiên, có hơn 60.848.318 ca hồi phục sau khi được điều trị.

- CNN dẫn phân tích của Đại học John Hopkins cho thấy, trung bình mỗi 33 giây, nước Mỹ có một người chết liên quan tới Covid-19 trong tuần qua. Từ 28/12/2020 tới 3/1/2021, mỗi ngày ở Mỹ có trung bình hơn 2.600 người chết. Tháng 12 năm ngoái là tháng chết chóc nhất của đại dịch Covid-19, với tổng số 77.572 ca tử vong.

- Singapore cho biết, cảnh sát nước này sẽ được phép sử dụng dữ liệu truy vết tiếp xúc cho các cuộc điều tra tội phạm. Công nghệ truy vết tiếp xúc được Singapore triển khai trên cả ứng dụng điện thoại lẫn thiết bị vật lý, đã được 80% trong 5,7 triệu dân Singapore sử dụng. Việc sử dụng công nghệ truy vết là bắt buộc tại một số khu vực ở Singapore như các khu mua sắm.

2. Thế giới tăng tốc tiêm vắc-xin,

Trên thế giới, chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đang tăng tốc. Anh bắt đầu phân phối vắc-xin thứ hai trong kho. Ấn Độ - nước đông dân thứ hai thế giới, đã phê chuẩn hai vắc-xin và khởi động chương trình tiêm chủng quy mô lớn.

Trong khi đó, tại Mỹ, các quan chức cho hay, tốc độ tiêm chủng đã tăng nhanh rõ rệt sau khởi đầu chậm chạp gây thất vọng. Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu Mỹ về bệnh lây cho biết, cuối tuần trước 1,5 triệu mũi tiêm đã được dùng trong 72h, nâng tổng số người được tiêm ngừa Covid-19 lên 4 triệu.

3. Thái Lan kêu gọi người dân ở trong nhà

Theo Reuters, Thủ tướng Thái Lan ngày 4/1 kêu gọi người dân ở trong nhà để giúp kiềm chế đợt bùng phát virus corona lớn nhất ở nước này và để tránh phong toả nghiêm ngặt. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh giới chức Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trong ngày, 745 ca.

Chính phủ Thái Lan đã tuyên bố 28 tỉnh, gồm cả thủ đô Bangkok, là khu vực có nguy cơ cao và đề nghị người dân làm việc tại nhà, tránh tụ tập, di chuyển ngoài biên giới tỉnh. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói: “Chúng tôi không muốn phong toả toàn quốc vì chúng tôi biết vấn đề ở chỗ nào, vì vậy bạn hãy phong toả chính mình. Điều đó phụ thuộc vào tất cả mọi người. Nếu chúng ta không muốn bị nhiễm virus, hãy ở trong nhà 14-15 ngày”.  

4. Bê bối cướp lượt tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở Ba Lan

Bộ Y tế Ba Lan đã mở một cuộc điều tra sau khi có tin 18 nhân vật nổi tiếng, gồm nhiều diễn viên, cướp lượt để tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Ba Lan khởi động chương trình tiêm chủng vào 27/12/2020 với các nhân viên y tế được ưu tiên tiêm trước. Tuy nhiên, vào ngày 30/12 một số nhân vật lại được tiêm vắc-xin tại bệnh viện Đại học Y Warsaw.

Một số người được tiêm vắc-xin trước cho hay, họ được đề nghị tiêm để sau đó tham gia vào một chiến dịch quảng bá vắc-xin. Hầu hết các diễn viên cướp lượt tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đều trong độ tuổi 60-70.

Nhiều nhân viên y tế đã tỏ ra bất bình về vụ việc trên và Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski cho hay, ông phẫn nộ khi biết thông tin về bê bối này.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/tin-tuc-covid-19-ngay-5-1-the-gioi-tang-toc-tiem-vac-xin-702887.html

5. Ai Cập xuất hiện 4 biến chủng nCoV triệu chứng khác nhau

Bốn biến chủng nCoV mới được Ai Cập phát hiện khiến người bệnh mệt mỏi, suy nhược, tâm trạng bất ổn, gặp vấn đề hô hấp, đặc biệt là không gây sốt. Kết quả này được bác sĩ khảo sát dựa trên hồ sơ bệnh án của bệnh nhân trong đợt bùng phát thứ hai ở Ai Cập và khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trong bối cảnh các biến chủng nCoV mới xuất hiện, lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, Ai Cập đang thực hiện những bước đầu chống lại dịch bệnh. Hôm 3/1, nước này phê duyệt vaccine Sinopharm của Trung Quốc, dự kiến bắt đầu kế hoạch tiêm chủng cuối tháng 1, theo Bộ trưởng Y tế Hala Zayed. Trước đó vào đầu tháng 12, Ai Cập đã nhận những lô vaccine đầu tiên.

Tính tới ngày 4/1, Ai Cập ghi nhận 142.187 ca nhiễm, ít nhất 7.805 ca tử vong, là quốc gia chịu ảnh hưởng thứ tư tại châu Phi, sau Nam Phi, Morocco và Tunisia.

Giới chức Anh hôm 14/12 công bố phát hiện biến chủng nCoV mới mang tên B.1.1.7, với hơn 20 đột biến so với phiên bản gốc và có khả năng lây nhiễm cao hơn 70%. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói chưa có bằng chứng cho thấy B.1.1.7 gây tử vong nhiều hơn các chủng trước đó.

Nhiều quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng nCoV như Pháp, Canada, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Singapore, Hàn Quốc... Hơn 50 quốc gia đã cấm mọi chuyến bay hoặc siết chặt kiểm soát hành khách từ Anh nhằm hạn chế sự lây lan của chủng nCoV này.

Trưa 2/1, Việt Nam cũng ghi nhận một trường hợp mắc đồng thời hai biến chủng gây lây lan nhanh. Bệnh nhân là ca nhiễm nhập cảnh cách ly ngay sau khi về từ Anh, nên không có khả năng lây nhiễm cộng đồng, theo chuyên gia y tế đánh giá.

https://vnexpress.net/ai-cap-xuat-hien-4-bien-chung-ncov-trieu-chung-khac-nhau-4216198.html

6. Anh phong tỏa toàn quốc lần thứ 3, trường học đóng cửa, 56 triệu dân ở trong nhà

Toàn bộ nước Anh sẽ trải qua lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất kể từ tháng 3 năm ngoái. Tất cả các trường tiểu học và trung học sẽ bị đóng cửa, 56 triệu dân Anh phải ở trong nhà và chỉ được phép ra ngoài một lần mỗi ngày.

Sau nhiều tuần liền cố gắng tránh đưa nước Anh trở lại thời kỳ phong tỏa vì thiệt hại kinh tế, Thủ tướng Anh Boris Johnson buộc phải đưa ra lệnh phong tỏa toàn quốc ngày 5-1 (giờ Việt Nam).

Đây là lần thứ 3 nước Anh phải phong tỏa, với thời gian lần này dự kiến kéo dài trong 6 tuần, tức đến giữa tháng 2 tới. Trước khi lệnh phong tỏa toàn quốc được đưa ra, Anh đã áp dụng phong tỏa cục bộ khiến khoảng 44 triệu người bị ảnh hưởng.

Các biện pháp mới tương tự các biện pháp trong đợt phong tỏa đầu tiên kéo dài 3 tháng từ cuối tháng 3 đến tháng 6 năm ngoái. Người dân được yêu cầu làm việc tại nhà bất cứ khi nào có thể, không được ra đường ngoại trừ mua nhu yếu phẩm, tập thể dục hoặc gặp tình huống gây nguy hiểm tính mạng.

Tất cả các trường tiểu học, trung học và cao đẳng - đại học sẽ bị đóng cửa kể từ ngày 6-1. Thủ tướng Anh khẳng định biến thể virus corona mới không ảnh hưởng tới trẻ em nhiều. Tuy nhiên để bảo đảm an toàn, việc dạy và học sẽ được tiến hành từ xa kể từ ngày 5-1 đến hết tháng 2.

Các biện pháp cứng rắn khác bao gồm đóng cửa những cửa hàng bán lẻ không thiết yếu và khách sạn đến hết ngày 15-2. Nhà hàng và một số quán rượu vẫn được phép hoạt động nhưng chỉ bán mang đi hoặc giao hàng qua mạng.

Một số môn thể thao ngoài trời có đông người chơi, sân tennis và sân golf sẽ bị cấm trong thời gian này, ngoại trừ các giải đấu chuyên nghiệp như Giải ngoại hạng Anh (Premier League).

https://tuoitre.vn/anh-phong-toa-toan-quoc-lan-thu-3-truong-hoc-dong-cua-56-trieu-dan-o-trong-nha-20210105043932.htm

7. Nhân viên y tế tử vong sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19

Giới chức y tế Bồ Đào Nha đang điều tra cái chết đột ngột của một nhân viên y tế ở Porto. Cô này vẫn khoẻ mạnh khi được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer.

Theo RT, người phụ nữ trên được nhận diện là Sonia Azevedo, 41 tuổi, là trợ lý phẫu thuật nhi khoa tại Instituto Português de Oncologia (IPO) – một bệnh viện chuyên về ung thư. Sonia là một trong số 538 nhân viên y tế làm việc ở IPO được tiêm vắc-xin liều đầu của Pfizer/BioNTech vào thứ tư tuần trước.

Đêm Giao thừa, cô ăn tối cùng gia đình và được phát hiện đã chết trên giường vào sáng hôm sau.

Cha của Sonia là Abillio nói: “Tôi muốn biết nguyên nhân cái chết của con gái”. Ông mô tả Sonia là một người tốt bụng và vui vẻ, không bao giờ uống rượu bia hay ăn gì đặc biệt ngoài những món thường ngày.

Trước đó, Sonia rất tự hào là một trong những người đầu tiên được tiêm vắc-xin. Cô đã thay đổi hình ảnh đại diện trên Facebook để phản ánh điều đó. “Đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19”, Sonia viết như vậy dưới bức ảnh chân dung đeo khẩu trang.

Cho tới giờ, vắc-xin ngừa virus corona do Pfizer/BioNTech sản xuất là loại duy nhất được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Hiện, IPO đã ra thông báo xác nhận cái chết của Sonia và cho biết sẽ công bố nguyên nhân cái chết của nhân viên y tế này theo các quy trình như thường lệ.

https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/nhan-vien-y-te-tu-vong-sau-khi-tiem-vac-xin-ngua-covid-19-702890.html

Việt Nam

1. Hà Nội ô nhiễm không khí tới ngưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe

Sáng 5-1, hệ thống quan trắc của Tổng cục Môi trường và Sở Tài nguyên-môi trường Hà Nội, PAM Air đồng loạt cho chỉ số chất lượng không khí ở mức ‘Rất xấu’, ảnh hưởng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, khuyến cáo tránh hoạt động ngoài trời.

Lúc 7h15 sáng 5-1, trên hệ thống cảm biến chất lượng không khí PAM Air tại khu vực Hà Nội, các điểm đo phổ biến hai màu tím và nâu, tượng trưng cho chất lượng không khí ở mức "Rất xấu" và "Nguy hại".

Cùng thời điểm, tại các điểm quan trắc cố định về chất lượng môi trường của Sở Tài nguyên-môi trường Hà Nội cũng cho chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên tới 240, mức "Rất xấu" khiến mọi người đều bị ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn.

Theo Tổng cục Môi trường, khi chất lượng không khí ở mức "Xấu" và "Rất xấu", những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm như người già, trẻ em, những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch có thể gặp những vẫn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Trước đó, ngày 30-12-2020, Bộ Tài nguyên-môi trường đã công bố nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi trong giai đoạn giao mùa.

https://tuoitre.vn/ha-noi-o-nhiem-khong-khi-toi-nguong-anh-huong-nghiem-trong-suc-khoe-20210105075148501.htm

2. Bệnh nhân phấn khởi khi thông tuyến tỉnh BHYT

Hàng trăm lượt bệnh nhân ở các bệnh viện lớn tại TP.HCM mặc dù điều trị nội trú trái tuyến đã được điều chỉnh mức hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến kể từ ngày 1-1-2021.

Từ năm 2021, người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi đi khám chữa bệnh (KCB) trái tuyến tại cơ sở KCB tuyến tỉnh sẽ được chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp KCB đúng tuyến.

Quy định trên được áp dụng từ ngày 1-1, tuy nhiên ghi nhận tại các bệnh viện (BV) lớn ở TP.HCM vào sáng 4-1, nhiều người dân vẫn chưa cập nhật quy định, trong đó một số bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân khá bất ngờ khi được áp dụng theo quy định mới.

Cân nhắc khi khám trái tuyến

Quy định thông tuyến BHYT tuyến tỉnh mới áp dụng nên các BV cũng chưa ghi nhận sự gia tăng trường hợp bệnh nhân từ các tỉnh lên điều trị nội trú trái tuyến và đo lường được mức độ ảnh hưởng của chính sách.

Hiện tại, các BV đều phổ biến các khoa, phòng áp dụng mức hưởng BHYT đúng tuyến đối với các bệnh nhân nhập BV không cần giấy chuyển viện, chuyển tuyến để bệnh nhân hưởng đúng quyền lợi. Bên cạnh đó, quán triệt nhân viên xem xét chỉ định nhập BV đúng, tránh lạm dụng.

Theo các lãnh đạo BV, chính sách thông tuyến là tin vui, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh nhân nhưng cũng kéo theo nhiều lo lắng cho cả tuyến dưới và tuyến trên.

“BV tuyến dưới có nguy cơ mất bệnh nhân, còn tuyến trên quá tải nếu bệnh nhân nhập BV nội trú nhiều, nằm ghép sẽ không an toàn, lây nhiễm chéo, làm giảm sự hài lòng của bệnh nhân. Bệnh nhân nhập BV tuyến trên nhiều đồng nghĩa tăng số tiền BHYT phải trả do thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên sâu hơn...” - BS Lê Thị Minh Hồng, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2, chia sẻ.

Chính sách thông tuyến BHYT tuyến tỉnh chỉ áp dụng cho bệnh nhân nhập BV điều trị. Tuy nhiên, trước khi được nhập BV điều trị, người bệnh phải khám ngoại trú và trả tiền cho các xét nghiệm tốn kém như chụp X-quang, MRI, CT. Vì vậy, BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, khuyến cáo người bệnh có BHYT vẫn nên xin giấy chuyển tuyến để đảm bảo quyền lợi.

“Có một điều bệnh nhân cần lưu ý. Đó là không phải bất cứ bệnh gì cũng được BV Nhân dân Gia Định chỉ định điều trị nội trú. Một khi chỉ bị bệnh thông thường, các BV tuyến dưới có thể chữa thì BV không tiếp nhận điều trị nội trú. Do vậy, bệnh nhân cần đến nơi đăng ký KCB ban đầu để được khám. Nếu cần thiết, nơi đây sẽ tư vấn bệnh nhân lên BV tuyến trên điều trị” - BS Hồ Văn Hân, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, bổ sung thêm.

https://plo.vn/suc-khoe/benh-nhan-phan-khoi-khi-thong-tuyen-tinh-bhyt-959745.html

3. Hai vaccine COVID-19 của Việt Nam được thử nghiệm trên người khác nhau thế nào?

Dù Nanocovax và Covivac đều hướng tới mục đích tạo ra kháng thể, giúp con người chống lại SARS-CoV-2 nhưng mỗi loại đều có sự khác biệt riêng.

Đến nay đã có 2 vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam là Nanocovax và Covivac được cấp phép thử nghiệm lâm sàng trên người. Tuy cả hai đều hướng tới mục đích chung là tạo ra kháng thể, giúp con người phòng, chống được virus SARS-CoV-2 nhưng chúng vẫn có nhiều điểm khác biệt.

Về phương pháp nghiên cứu, phát triển, Nanocovax của Công ty Nanogen phối hợp cùng Học viện Quân Y dựa trên công nghệ tái tổ hợp, bao gồm protein S của 2 chủng virus Vũ Hán và chủng đột biến D614G. Bằng phương pháp này, các nhà khoa học tạo ra gai giả giống y hệt gai trên virus SARS-CoV-2. Mỗi liều vaccine sẽ gồm nhiều gai giả, đây là công việc đòi hỏi tính khoa học và đọ chính xác, tỉ mỉ rất cao.

Với Covivac của Viện Vaccine và sinh phẩm Y tế (Ivac) nghiên cứu sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi để thực hiện quy trình sản xuất vaccone COVID-19, tương tự vaccine cúm A/H5N1 đã được thiết lập với công suất 3 triệu liều/năm từ trước tới nay.

Khi nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19, Ivac sử dụng chủng NDV-LaSota-S làm vector biểu hiện protein S của SARS-CoV-2. Đây là chủng có độc lực thấp được sử dụng trong nhiều loại vaccine.

Không chỉ có vậy, dù cả hai vaccine được cho phép thử nghiệm lâm sàng trên người đều trải qua 3 giai đoạn nhưng liều lượng qua các lần tiêm cho các tình nguyện viên lại khác nhau.

Trong khi Nanocovax tiêm thử nghiệm giai đoạn 1 cho 60 tình nguyện viên với liều tăng dần từ 25 mcg, 50 mcg và cuối cùng là 75 mcg, thì đối với Covivac của Ivac chỉ thử nghiệm ở liều lượng rất nhỏ là 1 mcg và 3 mcg cho các mũi tiêm, mỗi mũi cách nhau 28 ngày.

Như vậy, phương pháp nghiên cứu cũng như liều lượng giữ các mũi tiêm của hai loại vaccine Nanocovax và Covivac có sự khác nhau.

Tại Việt Nam, ngoài Nanogen và Ivac thì còn 2 đơn vị khác cũng tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (Polyvac).

Trong đó, Nanocovax - vaccine phòng COVID-19 của Nanogen bước vào giai đoạn thử nghiệm trên người từ tháng 12/2020. Sau thử nghiệm, các tình nguyện viên đều có sức khoẻ tốt, không có triệu chứng bất thường.

Covivac của Ivac dự kiến sẽ thử nghiệm trên người vào các ngày 21 và 22/1 tới.

Vaccine COVID-19 của Vabiotech đang thử nghiệm vaccine trên khỉ. Dự định đầu năm 2021, Vabiotech cũng sẽ cho thử nghiệm lâm sàng trên người. Còn lại vaccine của Polyvac đang ở giai đoạn tạo chủng kháng nguyên cho vaccine.

https://vtc.vn/hai-vaccine-covid-19-cua-viet-nam-duoc-thu-nghiem-tren-nguoi-khac-nhau-the-nao-ar588979.html

4. TP. Hồ Chí Minh: Cấp cứu bằng trực thăng đi vào đời sống

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, đánh giá việc đưa mô hình cấp cứu bằng trực thăng đi vào hoạt động là một nỗ lực rất lớn từ Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM)

Đây là sân bay cấp cứu hàng không lần đầu tiên được đặt trong bệnh viện (BV) ở TP HCM, đánh dấu bước tiến mới về cấp cứu ngoại viện. Hình thức cấp cứu này sẽ tăng hiệu quả đối với những bệnh nhân đột quỵ và đa chấn thương.

Tranh thủ "thời gian vàng"

Lâu nay, các ca bệnh nặng, phức tạp được cấp cứu bằng đường không phải đưa về sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó mới dùng xe cứu thương chuyển tiếp bệnh nhân về BV. Điều này làm kéo dài một khoảng thời gian nhất định, ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Khép lại năm 2020, BV Quân y 175 (quận Gò Vấp, TP HCM) đã tạo nên một đột phá mới khi đưa vào hoạt động sân bay trực thăng cấp cứu trên nóc tòa nhà Viện Chấn thương Chỉnh hình của BV, mở ra lộ trình chuyên nghiệp hóa công tác cấp cứu cho khu vực phía Nam, đưa BV trở thành cơ sở y tế đầu tiên cả nước có sân bay cấp cứu trực thăng.

Tình huống giả định là 2 trường hợp cấp cứu đa chấn thương và đột quỵ của người dân ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP HCM) và huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) được sơ cứu và chuyển thẳng về BV Quân y 175 bằng máy bay trực thăng.

Ngay sau khi đáp xuống nóc Viện Chấn thương Chỉnh hình, bệnh nhân đa chấn thương được chuyển ngay bằng băng ca xuống Khoa Hồi sức tích cực và sau đó là Khoa Phẫu thuật gây mê để được can thiệp điều trị; riêng bệnh nhân đột quỵ được hội chẩn ngay với các bác sĩ chuyên khoa Thần kinh của BV Nhân Dân 115 và được điều trị tiêu sợi huyết kịp thời.

Từ lúc máy bay đáp trên sân bay ở nóc BV đến khi bệnh nhân được chuyển đến khoa cấp cứu hoặc vào thẳng phòng mổ, khoa hồi sức chỉ mất khoảng vài phút. Việc có sân bay tại BV sẽ tranh thủ được "thời gian vàng" cấp cứu cho người bệnh.

Thiếu tướng - PGS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc BV Quân y 175, cho biết sân bay trực thăng cấp cứu là khát vọng suốt 30 năm qua của BV. Từ chuyến bay thử nghiệm đầu tiên đến ngày chính thức ra mắt sân bay trực thăng cấp cứu là 1 năm chuẩn bị tâm huyết của đơn vị và các cơ quan liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam... Hai chiếc trực thăng vận chuyển cấp cứu đầu tiên này thuộc Binh đoàn 18 và Sư đoàn 370 của Quân chủng Phòng không - Không quân.

https://nld.com.vn/suc-khoe/cap-cuu-bang-truc-thang-di-vao-doi-song-20210104213445929.htm

5. Viện Pasteur lý giải vì sao người đàn ông TP.HCM dương tính rồi âm tính

Viện Pasteur TP.HCM đã phải thực hiện 2 xét nghiệm trước khi khẳng định trường hợp tại Bệnh viện Quân y 7A âm tính. Trong báo cáo gửi Bộ Y tế, Viện Pasteur TP. HCM cho biết sáng 4/1 nhận được thông tin từ Bệnh viện Quân y 7A xét nghiệm phát hiện một trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

Đây là bệnh nhân nam, 56 tuổi, đang sống tại huyện Bình Chánh, TP. HCM. Bệnh nhân khởi phát bệnh vào ngày 28/12 với các triệu chứng sốt nhẹ, ho khan, khó thở nhẹ và nhập Bệnh viện Quân y 7A.

Ngay sau đó, Viện Pasteur TP. HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM và Bệnh viện Quân y 7A đã đánh giá dịch tễ, lâm sàng, xét nghiệm và coi đây như một ổ dịch để xử lý ngay trong khi chờ khẳng định, trong đó đã phong toả bệnh viện, xác định các F1 để cách ly.

Trong khoảng thời gian này, Viện Pasteur TP. HCM làm xét nghiệm 2 mẫu bệnh phẩm, trong đó mẫu đầu tiên của Bệnh viện Quân y 7A đã lấy và mẫu mới do Viện lấy trực tiếp từ bệnh nhân sáng 4/1.

Đến chiều cùng ngày, cả 2 mẫu cùng có kết quả âm tính. Tuy nhiên để khẳng định chắc chắn, Viện Pasteur TP. HCM tiếp tục làm thêm xét nghiệm kháng thể (nếu từng mắc Covid-19, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể) và kết quả cũng âm tính.

Viện Pasteur TP. HCM khẳng định bệnh nhân này chưa nhiễm SARS-CoV-2.

Viện Pasteur TP. HCM sau đó đã cử đội chuyên môn đánh giá phòng xét nghiệm sang Bệnh viện Quân y 7A để rà lại toàn bộ quy trình, kết quả xét nghiệm, biện giải và đã có những chấn chỉnh, hướng dẫn để đảm bảo kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 1.497 ca mắc Covid-19. Cả nước hiện có hơn 90 đơn vị được Bộ Y tế cấp phép thực hiện khẳng định xét nghiệm Covid-19.

https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/vien-pasteur-ly-giai-vi-sao-nguoi-dan-ong-tp-hcm-duong-tinh-covid-19-roi-am-tinh-702926.html

Đình Lễ - Thủy Tiên, HCDC (tổng hợp)