Vắc xin phòng sốt xuất huyết được Bộ Y tế cấp phép có hiệu quả như thế nào?
Gần đây, vắc xin ngừa sốt xuất huyết do hãng Takeda sản xuất (vắc xin Qdenga) đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Đây là vắc xin đã được sử dụng tại nhiều quốc gia và có hiệu quả lên đến 80%.
Theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới, phác đồ tiêm 2 liều vắc xin Qdenga cách nhau 3 tháng có hiệu quả 80% (1 năm sau tiêm), giảm dần còn 61% (sau 57 tháng sau tiêm) trong việc phòng ngừa sốt xuất huyết (SXH) có triệu chứng do bất kỳ típ huyết thanh nào. Hiệu quả của vắc xin trong phòng ngừa SXH nhập viện thì cao hơn, là 90% (18 tháng sau tiêm) và vẫn duy trì ở mức cao sau 57 tháng sau tiêm là 84%.
Hiệu quả của vắc xin phòng sốt xuất huyết trên thế giới
Vắc xin Qdenga hiện được cấp phép ở nhiều quốc gia gồm Indonesia (2022), Anh MHRA (2023), Brazil (2023), Argentina (2023), Thái Lan (2023), Đan Mạch (2023), Đức (2023), Bồ Đào Nha (2023), Columbia (2023), Malaysia (2024)…
Trong đó, Brazil là quốc gia đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm vắc xin này trong hệ thống tiêm chủng quốc gia vào tháng 02/2024 và đã tiêm ở 521 thành phố tính đến tháng 3/2024, chiếm khoảng 10% số đô thị của Brazil. Giai đoạn đầu tiên của chiến dịch tập trung ở nhóm trẻ 10 và 11 tuổi, là nhóm tuổi có nguy cơ nhập viện do SXH cao nhất. Chiến dịch tiêm chủng giới hạn ở mức “sẽ chỉ bảo vệ một số ít người đã được tiêm chủng”, và hiện tại chưa có nhiều dữ liệu hiệu quả của chiến dịch này.
Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết khi đã có vắc xin
Với vắc xin ngừa SXH, chúng ta đang có thêm 1 giải pháp hiệu quả hỗ trợ cho công tác phòng chống SXH. Vắc xin này sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh SXH và nhất là giảm nguy cơ bị nặng, tức là nếu bị mắc bệnh sau tiêm vắc xin thì tình trạng bệnh sẽ nhẹ. Tuy nhiên, không phải hễ tiêm vắc xin là không mắc bệnh.
Hàng năm, các tỉnh khu vực phía Nam nằm trong vùng lưu hành SXH, có nguy cơ mắc SXH khoảng 250 ca/100.000 dân. Với hiệu quả vắc xin 80% nêu trên trong năm đầu tiên sau tiêm, trong điều kiện lý tưởng, vắc xin sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh SXH còn 50 ca/100.000 dân.
Nguy cơ mắc bệnh SXH như vậy vẫn còn là rất cao do mầm bệnh và muỗi vằn luôn có sẵn trong cộng đồng. Nói cách khác, nguy cơ mắc bệnh sau tiêm vắc xin sẽ tùy thuộc vào nguy cơ mắc SXH hiện hữu. Hơn nữa, SXH có thể gặp ở mọi nhóm tuổi, trong khi vắc xin hiện tại có chỉ định tiêm chỉ cho người từ 4 tuổi trở lên.
Do vậy, để tối ưu hóa hiệu quả của vắc xin và bảo vệ cho nhóm chưa đến tuổi chỉ định tiêm vắc xin, cần giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc hiện hữu bằng cách duy trì và triển khai thường xuyên các biện pháp truyền thống, giải pháp tổng hợp và đang có hiệu quả – là kiểm soát véc tơ, diệt lăng quăng và muỗi.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các quốc gia dù có áp dụng giải pháp vắc xin, vẫn phải bám sát chiến lược tích hợp với kiểm soát véc tơ nhằm đạt được hiệu quả kiểm soát dịch tối ưu. Các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái lan dù đã cấp phép sử dụng vắc xin, vẫn đang áp dụng giải pháp toàn diện, tổng hợp trong phòng chống SXH.
Nói cách khác, có vắc xin vẫn phải tích cực diệt lăng quăng và muỗi. Mỗi cá nhân sau tiêm vắc xin cũng không được chủ quan, bỏ quên việc diệt lăng quăng và phòng tránh muỗi chích
ThS.BS.Lương Chấn Quang, Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM