Quản Cáo  Topbanner

HIV/AIDS

Cập nhật: 12:11 - 15/12/2023 | Lần xem: 7250

TP.HCM:Nỗ lực bao phủ điều trị qua BHYT cho người nhiễm HIV

TP. Hồ Chí Minh nỗ lực thực hiện các giải pháp để đảm bảo cho 5% người nhiễm HIV còn lại được tiếp cận điều trị ARV qua nguồn Bảo hiểm y tế (BHYT), hướng đến mục tiêu 95 - 95 - 95 vào năm 2025 và kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Ngày 05/12/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) phối hợp Dự án Phát triển hệ thống y tế bền vững (Dự án LHSS) do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã tổ chức hội thảo “Quản lý cung ứng thuốc ARV và hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Tham dự Hội thảo có ThS. BS. Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, TS. Đỗ Thị Nhàn - Trưởng phòng Điều trị, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, ThS. BS. Đỗ Thu Hà - Trưởng phòng giám định BHYT1, Bảo hiểm xã hội Thành phố, cùng đại diện các Sở, ban, ngành Thành phố và các cơ sở y tế có thực hiện khám chữa bệnh HIV/AIDS thanh toán qua BHYT.

Ảnh: Hội thảo “Quản lý cung ứng thuốc ARV và hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS qua Bảo hiểm y tế

TP. Hồ Chí Minh là một trong những tỉnh, thành trọng điểm phía Nam được Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế ưu tiên đẩy mạnh hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới hoàn thành Mục tiêu 95 - 95 - 95 vào năm 2025 và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Tính đến tháng 9/2023, Thành phố đã đạt được 93% đối với mục tiêu thứ nhất; 92,4% đối với mục tiêu thứ hai và 98,4% đối với mục tiêu thứ ba.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ThS. BS. Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố nhấn mạnh để thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS, hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, một trong những hành động cần thực hiện là đảm bảo tổ chức điều trị cho người nhiễm HIV, kiểm soát tải lượng vi-rút ở người nhiễm HIV dưới mức lây nhiễm. Trong bối cảnh nguồn lực quốc tế tài trợ nguồn thuốc ARV miễn phí ngày càng giảm, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai hỗ trợ chi phí mua thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả cho người nhiễm HIV từ năm 2019 đến nay với 31 cơ sở y tế điều trị ARV qua BHYT đang hoạt động, và thêm 01 cơ sở khám chữa bệnh BHYT cho bệnh HIV/AIDS được khánh thành vào ngày 07/12/2023.

Với nỗ lực tư vấn cho người nhiễm HIV các thủ tục mua thẻ BHYT của cơ sở điều trị, tính đến nay trên địa bàn Thành phố có trên 45.000 người nhiễm đang được chăm sóc và điều trị HIV/AIDS thanh toán qua BHYT, chiếm 95% bệnh nhân đang được quản lý. 5% bệnh nhân còn lại đang được hỗ trợ một phần thuốc ARV miễn phí đặt ra những thách thức cho Thành phố trong việc tìm giải pháp giúp đảm bảo điều trị liên tục, ổn định, và dần tiến tới tiếp cận điều trị thuốc ARV thanh toán qua BHYT.

Để đảm bảo duy trì cho những trường hợp nhiễm HIV chưa có thẻ BHYT, HCDC hướng dẫn các cơ sở y tế tiếp tục thực hiện dự trù nguồn thuốc ARV theo triển khai của Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế. Đồng thời, HCDC cũng sẽ tham mưu cho Sở Y tế đề xuất với UBND Thành phố về phương án dự trữ nguồn thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV không có BHYT trong trường hợp không có nguồn thuốc miễn phí của Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế.

Một trong những vấn đề được đặt ra là làm thế nào để đảm bảo cho người nhiễm HIV được cấp thẻ BHYT đầy đủ. Tham dự tại Hội thảo, Thượng tá Hồ Thị Lãnh - Phó Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết đơn vị sẽ tổ chức họp tổ Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) để rà soát, tháo gỡ các vấn đề về cấp thẻ BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS, tạo điều kiện tiếp cận điều trị ARV qua BHYT.

Với những giải đáp về các vướng mắc, khó khăn liên quan khám chữa bệnh HIV/AIDS thanh toán qua Bảo hiểm y tế và cung ứng thuốc ARV, cùng với sự vào cuộc, phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, cộng đồng xã hội, đặc biệt là sự sát cánh, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế sẽ tạo điều kiện cho TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới hoàn thành Mục tiêu 95 - 95 - 95 vào năm 2025 và kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh