Quản Cáo  Topbanner

HIV/AIDS

Cập nhật: 10:13 - 19/11/2022 | Lần xem: 2361

TP.HCM: Tổng kết 5 năm dự án phòng chống HIV/AIDS do PEPFAR tài trợ

Ảnh: BS.CKII Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc tại Hội nghị.

 

Sáng ngày 18/11/2022, Ban quản lý dự án US.CDC - Sở Y tế TPHCM phối hợp cùng Văn phòng dự án US.CDC tại TPHCM đã tổ chức Hội Nghị Tổng kết 5 năm dự án “Tăng cường và duy trì khả năng dự phòng, phát hiện, đáp ứng các bệnh truyền nhiễm và cung cấp các dịch vụ chăm sóc và chữa trị HIV” và khởi động Dự án giai đoạn 5 năm tiếp theo (2022-2027).

 

Trong 5 năm triển khai dự án từ năm 2017 đến 2022, Dự án US.CDC đã đạt được nhiều kết quả nổi bật và đóng góp quan trọng vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như: Tiếp cận 189.416 khách hàng, chuyển gửi và cung cấp xét nghiệm HIV cho 180.397 khách hàng, phát hiện 12.589 khách hàng dương tính, kết nối điều trị ARV cho 12.246 trường hợp. Hỗ trợ các cơ sở xét nghiệm khẳng định trên toàn Thành phố sử dụng phương cách xét nghiệm bằng 3 test nhanh. Phương pháp này đã giúp rút ngắn thời gian trả kết quả, góp phần đẩy mạnh việc điều trị trong cùng ngày khi có kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV.

 

Đến nay đã có 92% bệnh nhân nhận thuốc ARV qua Bảo hiểm Y tế (BHYT). Số bệnh nhân mới được tiếp nhận điều trị HIV/AIDS hằng năm tại 19 Phòng khám ngoại trú do dự án US.CDC hỗ trợ tăng từ 1.279 bệnh nhân năm 2017 lên 3.078 bệnh nhân năm 2022. Số bệnh nhân duy trì điều trị tăng gấp đôi đạt 24.256 năm 2022, ước chiếm 53,6% bệnh nhân ARV toàn thành phố. Tỷ lệ bệnh nhân có thẻ BHYT tăng từ 60% năm 2019 lên 92% năm 2022.

Phát biểu tại Hội nghị, BS.CK2 Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cho biết: Để đạt các chỉ tiêu của Dự án trong 5 năm 2022-2027 đồng thời hướng đến mục tiêu chung của chiến lược quốc gia nhằm kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, cần tăng cường truyền thông, đặc biệt tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ. Tiếp tục triển khai, đẩy mạnh cung ứng test xét nghiệm tại cộng đồng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng một cách thuận tiện, nhanh chóng. Đánh giá lại hệ thống dữ liệu cũng như việc quản lý dữ liệu. Phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị bệnh viện công lập, trung tâm y tế, hệ thống ngoài công lập, các tổ chức xã hội. Trong thời gian tới dự án cần mở rộng với những tổ chức xã hội đủ điều kiện tham gia. Ngoài ra, Ban quản lý dự án cần kiện toàn để đảm bảo sự quản lý điều hành dự án.

 

Được biết trong thời gian tới, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác thuộc PEPFAR, đặc biệt dự án US.CDC hỗ trợ địa phương đẩy mạnh cung cấp dịch vụ liên quan HIV/AIDS toàn diện, chất lượng và bền vững hướng tới đạt mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 và kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

 

 

Hoài Thương - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh.