TP.HCM: Tăng cường triển khai các giải pháp giám sát dịch bệnh Đậu mùa khỉ
Ngay sau khi bệnh Đậu mùa khỉ được công bố là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp, Sở Y tế TP.HCM đã khẩn trương triển khai các giải pháp giám sát Đậu mùa khỉ trong giai đoạn chưa ghi nhận ca bệnh. Giải pháp tăng cường kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, sàng lọc tại các cơ sở khám chữa bệnh và tổ chức truyền thông đến người dân về việc nhận diện căn bệnh này là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Tăng cường giám sát bệnh tại cửa khẩu và tại cơ sở khám chữa bệnh
Việt nam nói chung, TP.HCM nói riêng đã triển khai giám sát sự xâm nhập bệnh đậu mùa khỉ trong thời gian qua khi bệnh có dấu hiệu lây lan trên thế giới. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Do đó, theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam được xếp vào nhóm 1 (nhóm các nước chưa có trường hợp xác định bệnh đậu mùa khỉ).
Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố bệnh Đậu mùa khỉ là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp. Ngày 24/7/2022, Bộ Y tế đã họp khẩn để tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Căn cứ vào các yêu cầu của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc và yêu cầu các cơ sở y tế đóng trên địa bàn Thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ
Đối với công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tiếp tục triển khai giám sát người nhập cảnh qua các cửa khẩu nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ. Người nhập cảnh được giám sát thân nhiệt, triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, khai thác thông tin, lập phiếu điều tra dịch tễ.
Sau khi điều tra, nếu người nhập cảnh được xác định là trường hợp có thể (có triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ), kiểm dịch viên y tế sẽ hướng dẫn người nhập cảnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hoặc các bệnh viện đa khoa có khu cách ly để được kiểm tra, theo dõi. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tổ chức truyền thông, hướng dẫn người nhập cảnh khi có các triệu chứng nghi ngờ hoặc yếu tố dịch tễ thì thông báo ngay cho kiểm dịch viên y tế tại cửa khẩu để được hỗ trợ, tư vấn.
Đối với công tác sàng lọc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở khám chữa bệnh ban đầu (Trung tâm y tế, Trạm y tế, phòng khám) tăng cường truyền thông cho người dân. Khi người dân có triệu chứng nghi ngờ cần đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được tư vấn, khám sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán (nếu cần). Ở giai đoạn hiện nay, khi tiếp nhận trường hợp nghi ngờ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hướng dẫn người bệnh đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán.
Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập, tư nhân (kể cả các bệnh viện bộ ngành đóng trên địa bàn Thành phố) khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ phải tiến hành sàng lọc, phân luồng, hướng dẫn người bệnh di chuyển đến buồng khám sàng lọc. Nếu là trường hợp có thể, thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Viện Pasteur TP.HCM. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, bệnh viện hướng dẫn người bệnh tự cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện và không có triệu chứng nặng) hoặc cách ly tại khu cách ly của bệnh viện.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được phân công là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các trường hợp có thể kèm triệu chứng nặng; các trường hợp có thể nhưng không đủ điều kiện cách ly tại nhà, bệnh viện; các trường hợp xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được giao phối hợp Đơn vị nghiên cứu lâm sàng – Đại học Oxford (OUCRU) để tiến hành nghiên cứu ca lâm sàng đối với các trường hợp có thể. Các lớp tập huấn về phát hiện, cách ly, chăm sóc người mắc bệnh đậu mùa khỉ cho các đơn vị liên quan sẽ được tổ chức.
Đối với công tác truyền thông, Sở Y tế huy động mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe của ngành y tế; mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng (như cộng tác viên dân số, tình nguyện viên tham gia chương trình sức khỏe cộng đồng…) để truyền thông, tư vấn về phát hiện và phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ đến từng hộ dân trên địa bàn.
Ngoài ra, Sở Y tế sẽ huy động các tổ chức sức khỏe dựa vào cộng đồng; các đồng đẳng viên của chương trình phòng, chống HIV/AIDS và các phòng khám khám, điều trị HIV/AIDS tham gia truyền thông, tư vấn về phát hiện và phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ đối với nhóm người có quan hệ tình dục đồng giới nam. Các tổ chức này sẽ tham gia công tác truy vết khi có trường hợp dương tính với đậu mùa khỉ trên địa bàn Thành phố.
HCDC (lược trích)
Nguồn: SỞ Y TẾ TP.HCM