Quản Cáo  Topbanner

Vấn Đề Sức Khỏe

Cập nhật: 10:53 - 30/07/2024 | Lần xem: 325

TP.HCM: Hội nghị Dinh dưỡng mở rộng là điểm sáng trong hoạt động dinh dưỡng

Đây là nhận định của PGS.TS.BS Phạm Ngọc Khái - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam tại Hội nghị Dinh dưỡng TP.HCM mở rộng lần thứ XII năm 2024. Hội nghị do Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM phối hợp cùng Hội Dinh dưỡng Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM tổ chức với chủ đề “Dinh dưỡng trong bệnh lý tiêu hóa” với 14 bài báo cáo khoa học có giá trị từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm diễn ra trong ngày 27/7/2024.

Hội nghị quy tụ gần 130 đơn vị y tế trên cả nước bao gồm hơn 100 bệnh viện, cơ sở y tế cùng 24 đơn vị là các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước tham dự. Hơn 1/3 số lượng đại biểu là cán bộ công tác tại tuyến y tế cơ sở, trạm y tế. Hội nghị đã thực sự tạo ra cơ hội nhằm nâng cao kỹ năng thực hành trong hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở liên quan đến dinh dưỡng và các bệnh lý liên quan.

Ảnh: Chủ tọa đoàn, báo cáo viên tham gia trong Hội nghị Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh mở rộng lần thứ XII năm 2024

4,6 tỷ người mắc bệnh tiêu hóa trên thế giới. Đây là thông tin được BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp chủ tịch Liên chi hội Dinh dưỡng – Thực phẩm cung cấp tại hội nghị dẫn chứng từ thống kê Global vào năm 2023. Trong đó các bệnh tiêu hóa phổ biến nhất là bệnh lý đường tiêu hóa trên, bệnh lý gan mật tụy và bệnh lý đường tiêu hóa dưới. Trong khoảng 10 năm gần đây đã có nhiều nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới để dự phòng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người mắc bệnh lý tiêu hóa. Tuy nhiên, tỷ lệ người được chẩn đoán và điều trị đúng không cao.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, gánh nặng bệnh tật lớn nhất hiện nay đã thay đổi từ bệnh lây nhiễm sang bệnh không lây nhiễm. Trong đó, bệnh tiêu hóa là vấn đề sức khoẻ cần được quan tâm vì ảnh hưởng đến cộng đồng, liên quan đến lối sống, tuổi thọ của con người. Nhiều năm qua, Thành phố liên tục quan tâm đầu tư phát triển cả y tế chuyên sâu và y tế cơ sở. Trong đó, đề án phát triển y tế cộng đồng thực hiện nhằm bảo vệ chăm sóc sức khỏe người dân giai đoạn 2021-2030 là bước quan trọng nhằm đánh giá lại toàn bộ hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân trong thời gian qua.

Đáng chú ý nhất là nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực nhằm cải thiện các chỉ số sức khỏe cho người dân, thực hiện hiệu quả chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó tập trung vào các hoạt động dinh dưỡng cộng đồng và dinh dưỡng lâm sàng.

Quản lý chăm sóc sức khỏe người dân liên tục, lâu dài tại trạm y tế góp phần tăng cường khả năng phát hiện sớm, điều trị, phòng ngừa cũng như chăm sóc toàn diện cho người dân. Một trong những giải pháp đang được Sở Y tế TPHCM triển khai là tăng cường chất lượng khám BHYT một số bệnh cơ bản như tăng huyết áp, đái tháo đường, tư vấn dinh dưỡng, vận động phục hồi chức năng kết hợp y học cổ truyền tại trạm y tế. Mô hình này được kỳ vọng sẽ thu hút người bệnh đến trạm y tế, đồng thời góp phần phát triển y tế cơ sở, nâng cao chăm sóc người dân trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, một bước đột phá được Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM đề cập đó là thành phố thông qua chính sách đặc thù phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. “Đây là lực lượng cánh tay nối dài hỗ trợ cho tuyến y tế cơ sở cùng chung tay với ngành y tế thành phố trong công tác truyền thông, chăm sóc sức khỏe cho người dân”.

Khoa Dinh dưỡng Bệnh không lây - HCDC