Quản Cáo  Topbanner

Tay chân miệng

Cập nhật: 11:05 - 23/06/2023 | Lần xem: 2238

TP.HCM: chủ động phòng chống dịch bệnh Tay chân miệng

Trước dự báo dịch bệnh tay chân miệng (TCM) gia tăng với nhiều ca mắc bệnh nặng trong năm nay, Thành phố đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Chiều ngày 22/6/2023, đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế tại Trường mầm non Thành phố (Quận 3), hẻm 491 Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3) và Bệnh viện Nhi đồng 1.

Ảnh: Thứ trưởng Bộ y tế đến thăm bệnh nhi mắc tay chân miệng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Trong buổi kiểm tra thực tế tại Trường Mầm non Thành phố (Quận 3), theo bà Mai Yến Hằng - Hiệu trưởng nhà trường, công tác phòng chống dịch bệnh đã được tăng cường chặt chẽ với sự phối hợp giữa ngành y tế và nhà trường. Công tác vệ sinh khử khuẩn được thực hiện thường xuyên nhằm đảm bảo môi trường sạch sẽ cho các em học sinh. Nhà trường cũng cho biết, trường luôn chủ động trong việc phát hiện các triệu chứng bệnh của trẻ, trong trường hợp phát hiện học sinh có triệu chứng như: sốt… y tế nhà trường đều sẽ liên hệ với gia đình theo dõi sát sao tình trạng bệnh, lập danh sách và báo cáo phía trạm y tế. Theo ghi nhận, trước các phòng học đều được bố trí bồn rửa tay vừa tầm với của trẻ với đầy đủ xà phòng, tạo thuận tiện cho việc rửa tay của các em học sinh.  

Tại buổi làm việc ở Bệnh viện Nhi đồng 1, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: So với các năm 2011, 2018, 2022 thì 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ bệnh nhân mắc tay chân miệng nặng gia tăng gấp 2,5 lần. Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 những ngày qua tiếp nhận hơn 10 ca bệnh tay chân miệng nặng phải thở máy. Bệnh viện đã và đang hỗ trợ các bệnh viện tuyến tỉnh điều trị các ca nặng tại chỗ, tránh chuyển viện không an toàn. Nhờ đó mà các ca mắc bệnh nặng đã được điều trị thành công tại các bệnh viện tỉnh, không cần thiết phải chuyển lên TP.HCM.

Tại buổi làm việc, GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Thành phố và Bộ Y tế đã có những kịch bản cho tình hình gia tăng số ca TCM. Trong trường hợp xấu, bệnh tăng nhanh vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị cho bệnh nhân. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó giám đốc Sở Y tế, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết: Đối với thuốc điều trị TCM hiện đang khan hiếm nguồn cung, vào đầu tháng 6, Sở Y tế TP.HCM cũng đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý Dược hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc. Riêng Thành phố đã nỗ lực tìm nguồn cung ứng và dự kiến trong thời gian tới thành phố sẽ có khoảng 4.000 lọ Immunoglobulin để phân phối đến các bệnh viện.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Bệnh viện Nhi đồng 1, Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao sự tích cực chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch, dự trữ thuốc, đào tạo tuyến dưới của các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM. Thứ trưởng cũng mong muốn trong thời gian tới Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp tục phối hợp với Cục quản lý khám chữa bệnh xây dựng các hướng dẫn, nghiên cứu để có các biện pháp, phương pháp hỗ trợ công tác điều trị cho các khu vực và toàn quốc. Đồng thời trong công tác phòng chống dịch, Sở y tế cần phối hợp chặt chẽ với Sở giáo dục nhằm tăng cường truyền thông cho phụ huynh và học sinh.

Một số hình ảnh của đoàn công tác Bộ y tế kiểm tra thực tế tại TP.Hồ Chí Minh:

Ảnh: Thứ trưởng Bộ y tế đến thăm hỏi thực tế tại Trường mầm non Thành phố.

Ảnh: Đoàn công tác của Bộ y tế trao đổi với hiệu trưởng trường mầm non thành phố về công tác phòng chống dịch tại trường học.

Ảnh: Đoàn công tác Bộ y tế thăm hỏi và khảo sát thực tế về kiến thức phòng chống dịch bệnh tại một nhà dân ở hẻm Nguyễn Đình Chiểu, quận 3.


Ảnh: Thứ trưởng Bộ y tế đến thăm hỏi động viên người nhà bệnh nhi mắc tay chân miệng tại BV nhi đồng 1.

Ảnh: Thứ trưởng Bộ Y tế đến thăm bệnh nhi mắc tay chân miệng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh.