TP.HCM: chia sẻ kết quả thực hiện chương trình HIV/AIDS với Chương trình viện trợ PEPFAR
Chiều ngày 21/6/2022 vừa qua, Sở Y tế Tp HCM tiếp đoàn lãnh đạo cấp cao Chương trình viện trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR) cùng với lãnh đạo của CDC Hoa Kỳ và Chương trình Y tế của USAID tại Việt Nam. Tiếp đoàn có BS. Nguyễn Hải Nam – Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp HCM (HCDC), và PGS.TS. Phạm Đức Mạnh – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế và các phòng ban trực thuộc.
Tại buổi làm việc, BS. Văn Hùng đã thay mặt chương trình HIV/AIDS thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ những cột mốc quan trọng liên quan đến hành trình 30 năm ứng phó với đại dịch HIV/AIDS từ 1990 đến nay. TP HCM ước tính khoảng 51.000-55.000 người nhiễm HIV, chiếm khoảng 24% số người nhiễm HIV trên cả nước hiện nay. Đến tháng 5/2022 có hơn 44.200 bệnh nhân HIV đang được điều trị ARV tại hơn 40 cơ sở y tế công, tư trên địa bàn thành phố, trong đó có 92% bệnh nhân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh. Kết quả xét nghiệm tải lượng vi rút HIV cho thấy, 99% đang điều trị ARV đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Ngoài ra bệnh nhân HIV còn nhận được các dịch vụ y tế khác như điều trị viêm gan C, sàng lọc các bệnh không lây nhiễm, bệnh lao, bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, sức khỏe tâm thần ...
Trong 5 năm gần đây, mỗi năm có hàng trăm nghìn khách hàng được tiếp cận, tư vấn và xét nghiệm HIV miễn phí thông qua các chương trình tài trợ từ PEPFAR, Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS và các tổ chức phi chính phủ khác. Số khách hàng dương tính mới được phát hiện trong năm 2021 là 4.447 người, trong đó 96% được kết nối thành công vào điều trị ARV. Số khách hàng có kết quả xét nghiệm HIV âm tính được kết nối qua dịch vụ dự phòng cũng đạt kết quả cao. Hiện có 11.686 khách hàng đang sử dụng PrEP trong năm 2022.
Ngoài các thành quả trên, Thành phố là nơi tiên phong trong việc triển khai, ứng dụng các can thiệp, mô hình phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả trong thời gian qua. Một số can thiệp được tiên phong thí điểm và nhân rộng thành công như xét nghiệm người phơi nhiễm, tiếp cận – tìm ca qua các ứng dụng hẹn hò trực tuyến, dịch vụ dự phòng PrEP, xét nghiệm HIV tại cộng đồng, sàng lọc các bệnh không lây nhiễm, mô hình “Một điểm đến - Đa dịch vụ” -O.S.S. .... Nhờ tinh thần sáng tạo, năng động, chương trình HIV/AIDS thành phố cũng đã vượt qua được đại dịch COVID-19, giúp bệnh nhân ARV và methadone được duy trì điều trị liên tục thông qua các hình thức cấp phát thuốc tại nhà qua nhân viên y tế, mạng lưới cộng tác viên, tiếp cận vien và hệ thống dịch vụ vận chuyển khác.
Tuy nhiên, số liệu thống kê HIV/AIDS tại TP HCM gần đây cho thấy có sự gia tăng số ca nhiễm HIV mới được báo cáo hàng năm và sự thay đổi rõ rệt các hành vi nguy cơ liên quan đến tình trạng nhiễm HIV. Năm 2012 số ca nhiễm HIV mới được ghi nhận vào khoảng 2000 người, đến năm 2021 con số này là gần 4.500 người. Thời kỳ đầu của đại dịch, nhóm tiêm chích ma túy nhiễm HIV là chủ yếu, đến giai đoạn hiện nay, nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính (MSM) nhiễm HIV chiếm tỷ lệ lớn, có đến 76% số ca nhiễm HIV mới được ghi nhận trong năm 2021 là MSM. Cho dù đạt được nhiều thành quả trong 30 năm qua, nhưng thành phố HCM vẫn đối mặt nhiều thách thức, trở ngại trên con đường kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Chia sẻ với những khó khăn, thách thức của TP.HCM trong cuộc chiến kết thúc dịch HIV/AIDS, lãnh đạo PEPFAR mong muốn được tiếp tục, đồng hành, tiếp tục được hỗ trợ chương trình HIV của thành phố trong thời gian đến.
Khoa phòng chống HIV/AIDS – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM