Quản Cáo  Topbanner

Kiến thức chuyên môn

Cập nhật: 14:28 - 27/06/2022 | Lần xem: 5816

Tình hình dịch bệnh Tay chân miệng, Sốt xuất huyết cập nhật ngày 24/06/2022

Số ca mắc bệnh Tay chân miệng có xu hướng giảm, tuy nhiên số ca mắc Sốt xuất huyết vẫn đang có xu hướng gia tăng trong tuần 25 của năm 2022. Trong tuần 25, thành phố tiếp tục ghi nhận 01 ca tử vong do Sốt xuất huyết.

Tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết Dengue (SXH)

Tính đến tuần 25, Thành phố ghi nhận 18.976 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 151,6% với cùng kỳ năm 2021 là 7.542 ca, với số ca sốt xuất huyết nặng là 311 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến tuần 25 là 1,6% (311/18.976) tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,4% (33/7.542). Trong tuần 25 (từ ngày 17/06/2022 đến 23/06/2022), Thành phố ghi nhận 2.548 ca bệnh SXH, tăng 611 ca (31,6%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca SXH tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Trong tuần ghi nhận 01 trường hợp tử vong do SXH. Như vậy số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 10 trường hợp, tăng 07 ca so với cùng kỳ năm 2021 (3 ca).

Số ca bệnh SXH trong tuần 25 tiếp tục tăng cao ở 21/22 quận huyện, TP. Thủ Đức (trừ Quận 12). Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Cô Giang (Quận 1), phường 11 (Quận 3), phường 15 (Quận 8), xã An Phú Tây (Bình Chánh), phường 11 và phường 22 (quận Bình Thạnh), phường 1 (quận Gò Vấp).

Tình hình dịch bệnh Tay chân miệng (TCM)

Tính đến tuần 25, thành phố ghi nhận 7.634 trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng. Trong tuần 25 (từ ngày 17/06/2022 đến 23/06/2022), thành phố ghi nhận thêm 825 ca bệnh tay chân miệng, giảm 217 ca (20,8%) so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó số ca bệnh giảm ở cả các trường hợp khám ngoại trú và các trường hợp nhập viện điều trị nội trú.

21/22 quận huyện có số ca bệnh trong tuần giảm so với số ca trung bình 4 tuần trước (trừ huyện Nhà Bè). Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Phú Mỹ (Quận 7), phường 7 (quận Gò Vấp), phường 11 (Quận Tân Bình), xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), xã Bà Điểm và xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn), xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè).

Các ổ dịch SXH và TCM

Trong tuần 25 toàn thành phố ghi nhận 174 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 89 phường, xã thuộc 18/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức; tăng 38 ổ dịch mới so với tuần 24. Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 305 ổ dịch và có 03 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 374 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 152 phường, xã thuộc 21/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Trong tuần 25, toàn thành phố ghi nhận 01 ổ dịch Tay chân miệng mới phát sinh tại 1 quận huyện (Quận 3), giảm so với tuần 24 (05 ổ dịch). Số ổ dịch tích luỹ đến tuần 25 năm 2022 là 57 ổ dịch. Tất cả các ổ dịch đều được xử lý kịp thời.

 

Khuyến cáo phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện nay thành phố Hồ Chí Minh đã bước vào mùa mưa, mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết hàng năm do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều. Vì vậy để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở hãy cùng chung tay thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo chúng ta mỗi tuần nên dành 10 phút để diệt lăng quăng/bọ gậy và thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Một số biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết:

- Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi như: lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…

- Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.

- Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.

- Sử dụng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay,… và ngủ màn kể cả ban ngày để phòng tránh muỗi đốt.

- Tích cực phối hợp ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Trong trường hợp bị sốt hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị và không tự ý điều trị tại nhà.

Nguyễn Lê Thảo My – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC)