Quản Cáo  Topbanner

Vấn Đề Sức Khỏe

Cập nhật: 16:22 - 16/04/2024 | Lần xem: 7995

Thủ tục cấp, mức hưởng bảo hiểm y tế cho người khuyết tật như thế nào?

 Người khuyết tật dạng nào được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế?

Người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế còn người khuyết tật nhẹ thì không.

Theo điểm g khoản 3 điểu 12 Luật bảo hiểm y tế 2008 sủa đổi, bổ sung năm 2014 quy định, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng.

Theo khoản 6 Điều 5 Nghị định 20/2012/NĐ-CP người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Tại Điều 3 và khoản 1, khoản 3 Điều 4 nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định cụ thể về mức độ khuyết tật và xác định mức độ khuyết tật:

· Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc, suy giảm từ 61% - 80%.

· Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn, suy giảm 81% trở lên.

Như vậy, không phải cứ là người khuyết tật thì sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng mà chỉ có người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng mới được hưởng chính sách này. Người khuyết tật nhẹ (mức độ giảm khả năng lao động dưới 61%) sẽ không được Nhà nước đóng, cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nếu muốn được tham gia bảo hiểm y tế thì người khuyết tật nhẹ hoặc gia đình có thể mua thẻ bảo hiểm y tế theo diện hộ gia đình.

Mức hưởng bảo hiểm y tế cho người khuyết tật

Theo khoản 1, khoản 3 Điều 22 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13, người khuyết tật thuộc các trường hợp nêu tại mục 1 khi đi khám, chữa bệnh sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế như sau:

- Khám chữa bệnh đúng tuyến: được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả bảo hiểm y tế (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.

- Khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến (trừ trường hợp cấp cứu…) được thanh toán như sau:

· Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước;

· Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước;

· Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi cả nước.

Thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật

Theo khoản 5, khoản 6 điều 11 nghị định 146/2018, điều 25 quyết định 595/QĐ-BHXH, thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế lần đầu cho người khuyết tật như sau:

Bước 1: Người tham gia bảo hiểm y tế điền tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT

Bước 2: Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm lập danh sách tham gia bảo hiểm y tế của đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo mẫu số 2 ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

Bước 3: Phòng Lao động Thương binh và Xã hội tiếp nhận, kiểm tra, ký xác nhận và lập hồ sơ gửi cơ quan bảo hiểm y tế huyện.

Bước 4: Cơ quan bảo hiểm xã hội tổ chức in và chuyển giao thẻ cho Phòng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội để cấp cho người dân.