Quản Cáo  Topbanner

Tim mạch

Cập nhật: 20:44 - 20/09/2020 | Lần xem: 9829

Tăng cường sức khỏe tim mạch trong đại dịch COVID-19

Với những người khỏe mạnh, việc nhiễm COVID-19 đã là một đe dọa tính mạng, nhưng những bệnh nhân tim mạch thì vấn đề còn đặc biệt nghiêm trọng.

Với số lượng người bị bệnh tim mạch luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu bệnh tật ở hầu hết tất cả các nước trên thế giới, đây là một thời điểm hết sức căng thẳng. Tại Việt Nam, dân số có xu hướng già hóa, mô hình bệnh tật thay đổi, tỷ lệ bệnh không lây nhiễm tăng đã khiến bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong và gánh nặng bệnh tật hàng đầu với con số ước tính khoảng 15 triệu người bị tăng huyết áp ở các mức độ khác nhau. Do vậy, cần hết sức cảnh giác và chủ động phòng ngừa cũng như có hành động đúng để giảm tối đa các ảnh hưởng của COVID-19, nhất là đối với bệnh nhân tim mạch.

Bệnh nhân tim mạch cần phải làm gì?

Bệnh nhân bị bệnh tim mạch cần ý thức được họ là nhóm nguy cơ rất cao về nhiễm bệnh cũng như các biến chứng nặng xảy ra nếu không may bị nhiễm COVID-19. Bệnh nhân tim mạch lại thường là những bệnh cần được theo dõi dài hạn, dùng thuốc dài ngày. Một số thuốc điều trị bệnh lý tim mạch lại cần theo dõi, định kỳ xét nghiệm cũng như có thể tương tác hoặc bị ảnh hưởng khi phải điều trị bởi các thuốc khác. Bên cạnh đó, một số triệu chứng của bệnh tim mạch lại cũng rất dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng nhiễm COVID-19 như khó thở, đau ngực…

Theo khuyến cáo của các Hiệp hội Tim Mạch lớn trên thế giới, những bệnh nhân có nguy cơ cao, trong đó có bệnh nhân tim mạch, trước hết cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo chung cho mọi người dân. Tại Việt Nam, Chính phủ và Bộ Y Tế đã đưa ra các khuyến cáo chung là:

- Tránh tụ tập nơi đông người. Người trên 60 tuổi nên ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác;

- Đeo khẩu trang khi ra ngoài;

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn;

- Tăng cường chế độ dinh dưỡng và luyện tập nâng cao sức khỏe;

- Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh.

Với bệnh nhân tim mạch cần có những lưu ý riêng:

- Bản thân bệnh tim mạch là nguy cơ cao. Do đó càng nên ở nhà, hạn chế tiếp xúc người khác.

- Cần liên hệ, hoặc tìm ngay số điện thoại liên hệ với các nhân viên y tế địa phương và bác sỹ/điều dưỡng chuyên khoa tim mạch đang theo dõi sưc khỏe cho bản thân. Nếu chưa có liên lạc của chuyên khoa tim mạch, cần tìm cách thiết lập ngay mối liên hệ này thông qua các thầy thuốc đa khoa ở địa phương mà mình đang có hoặc qua các đường dây nóng về y tế ở địa phương.

- Cần kiểm tra lại ngay cơ số thuốc tim mạch mà mình hiện có, nếu cơ số còn ít thì cần gọi bác sỹ/phòng khám chuyên khoa và nhà thuốc mà mình đang được theo dõi để bổ sung kịp thời đầy đủ số lượng.

- Cần kiểm tra và chắc chắn rằng đã có các trang thiết bị y tế cơ bản như nhiệt kế, máy đo huyết áp tự động, cân sức khỏe;

- Tự theo dõi thường xuyên các dấu hiệu thường gặp trong nhiễm covid-19, như sốt, khó thở, ho, đau tức ngực… Lưu ý là các dấu hiệu này cũng có thể gặp ở bệnh tim mạch. Khi chớm có các dấu hiệu này, cần gọi đến các thầy thuốc đang theo dõi cho bản thân trước, không nhất thiết vội vàng đến các phòng cấp cứu/bệnh viện. Nếu các triệu chứng nặng như khó thở nhiều, đau ngực nhiều, tím tái, lú lẫn… mới xảy ra thì cần gọi ngay đơn vị cấp cứu để được vận chuyển tới bệnh viện gần nhất.

Ảnh minh hoạ

PGS.TS.BS. Phạm Mạnh Hùng (Viện trưởng Viện Tim Mạch Quốc gia Việt Nam)

Nguồn: https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/nhung-khuyen-cao-moi-nhat-cua-chuyen-gia-tim-mach-au-nganh-trong-dich-covid-19